Âm vang trên đường xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước

Trong kháng chiến chống Mỹ, Tố Hữu có hai câu thơ rất nổi tiếng: Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai… Với cảm xúc phơi phới kỳ diệu đó, đã có hàng trăm ca khúc viết về Trường Sơn ra đời, cổ vũ cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc với chân lý “không gì quý hơn độc lập, tự do”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Tố Hữu có hai câu thơ rất nổi tiếng: Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai… Với cảm xúc phơi phới kỳ diệu đó, đã có hàng trăm ca khúc viết về Trường Sơn ra đời, cổ vũ cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc với chân lý “không gì quý hơn độc lập, tự do”.

Người yêu nhạc nhớ mãi nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, với hai ca khúc hay nhất của ông, Đường tôi đi dài theo đất nướcBước chân trên dải Trường Sơn đã làm nên tên tuổi của ông trong làng nhạc Việt Nam hiện đại. Cả hai bài đều được sáng tác trong thời gian đi dọc Trường Sơn với đoàn văn nghệ sĩ. Ngày 18-12-1965 đoàn xuất phát, sau gần một tháng, ngày 15-1-1966 tới điểm đầu mối của trục giao liên Bắc-Nam. Ấn tượng đầu tiên cảm động là hình ảnh các chiến sĩ giao liên dọc dãy Trường Sơn vô cùng gian khổ nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Đáng nhớ nhất là tiếng cười trẻ trung, hồn nhiên của các cô gái giao liên vang lên bên khe suối, giữa rừng xanh.

Giữa núi rừng Trường Sơn, nhìn những đoàn quân nối tiếp ra mặt trận, Vũ Trọng Hối cảm xúc, phác thảo một bản hành khúc ngắn gọn. Ông đặt tựa đề là Chiến sĩ Trường Sơn và hát thử cho anh em trong đoàn nghe, được mọi người tán thưởng. Đó là vào cuối tháng 4-1966. Nhà viết kịch Chèo là Tào Mạt (bút danh Đăng Thục), một thành viên trong đoàn đã giúp ông hoàn thành phần lời một cách xuất sắc. Và bài hát giờ đây được đổi tên là Bước chân trên dải Trường Sơn, một hành khúc trầm hùng, nội dung tinh tế, sâu sắc, đậm chất trữ tình: Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/Đá mòn mà đôi gót không mòn…/…Ta đi theo ánh lửa của trái tim mình…

Có một nhạc sĩ chưa một lần đặt chân đến Trường Sơn nhưng với cảm xúc vượt không gian đã sáng tác hai ca khúc về Trường Sơn rất nổi tiếng, đó là nhạc sĩ Trần Chung với Bài ca Trường SơnĐêm Trường Sơn nhớ Bác.

Ông kể lại: Trong những dịp đi công tác qua khắp làng mạc, chứng kiến các trai làng tạm biệt quê hương lên đường ra mặt trận, ông rất muốn viết một ca khúc về đề tài này, nhưng chưa nghĩ ra cách thể hiện. Tình cờ đọc bài thơ Bài ca Trường Sơn của Gia Dũng trên Báo Nhân Dân, ông liền dựa vào đó để viết nên ca khúc mà ông từng ấp ủ. Đó là vào tháng 10-1968. Gần hai năm sau, 1970, ca khúc Bài ca Trường Sơn mới được giới thiệu trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát của ca sĩ Quốc Hương và đã bay cao bay xa khắp đất nước: Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió/Trời vắng trăng sao nhưng tim ta rực lửa/Đi ta đi tung cánh đại bàng, vang khúc nhạc lòng giải phóng miền Nam...

Vào những năm 1966-1967, ở làng Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (cũ) có phong trào tặng gậy Trường Sơn rất có ý nghĩa. Cứ mỗi đợt tiễn tân binh lên đường nhập ngũ, xã lại tặng cho mỗi người một chiếc gậy để giúp cho bước chân anh em thêm vững vàng trèo đèo, lội suối, băng rừng, leo dốc. Trên đường hành quân, mỗi lần nhìn đến chiếc gậy, anh em lại nhớ lời dặn dò nhắn nhủ của người thân ở quê hương, nhớ lời hứa quyết tâm của mỗi người trước khi lên đường.

Năm 1967, nhạc sĩ Phạm Tuyên về thăm Hòa Xá đúng vào dịp lễ tặng chiếc gậy mới cho thanh niên lên đường nhập ngũ. Cảm xúc trước việc làm đầy ý nghĩa này, ông đã sáng tác ca khúc Chiếc gậy Trường Sơn nói lên sức mạnh diệu kỳ, ý chí kiên cường của một dân tộc thông qua một vật bình thường nhỏ bé: Trường Sơn ơi, ta đến bên Người với gậy quê hương / Trường Sơn ơi, chan chứa bao tình, khi lửa tiền phương đang nhắc ta gấp bước đường xa…

Thật không thể kể xiết những bài ca tuyệt vời viết về Trường Sơn. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những giai điệu hào hùng năm xưa vẫn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người nghe. Điều đáng trân trọng là hôm nay, khi cuộc sống thanh bình, nhịp đời đang rộn rã, những bài ca Trường Sơn thuở ấy vẫn lay động lòng người, giữ mãi niềm tự hào về những năm tháng kháng chiến gian khổ, anh dũng của cả một dân tộc. 

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục