Thực tế ở TPHCM hiện nay, việc an cư cho những gia đình thuộc diện được tái định cư khi giải tỏa để thực hiện các dự án đã khó, huống gì diện không được tái định cư. Nhiều người lâm vào cảnh vô gia cư.
Nỗi lòng dân “vô gia cư”
Ông Đoàn Minh Quốc (ở 34/13 đường Số 7, Long Bửu, Long Bình, quận 9, TPHCM) than: “Gia đình tôi có hai căn nhà khang trang, xây trên khuôn viên rộng hơn 8.000m2. Vậy mà Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận lấy lý do nhà xây dựng sau ngày 22-4-2002 để không bố trí tái định cư (TĐC)”.
Không riêng gia đình ông Quốc, mà gần 30 hộ dân có nhà đất nằm trong quy hoạch dự án cũng trong tình cảnh tương tự. Bà Thu Hương (ở 55/20 đường Số 7) cho biết, gia đình bà đã mua đất, xây dựng căn nhà tường khang trang trên khuôn viên hơn 300m². Khi thu hồi, chính quyền đưa ra lý do nhà xây dựng trên đất lấn chiếm, chỉ đền bù 36 triệu đồng, mà không bố trí TĐC.
Gia đình bà đã được nhiều lần yêu cầu tháo dỡ nhà, nếu không sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ. Nhiều tháng nay, gia đình bà vẫn phải cầm cự vì nếu tháo dỡ nhà, không biết sẽ ở đâu. Số tiền đền bù 36 triệu đồng chỉ đủ thuê nhà vài tháng, làm sao tạo được chỗ ở mới. Dự án này có gần 30 hộ dân nằm trong diện không được bố trí TĐC, đang bám trụ, chưa tháo dỡ nhà cửa di dời. Nhiều hộ không thể tạo lập được chỗ ở mới bởi số tiền đền bù quá ít. Hầu hết các hộ dân đều xây dựng nhà trên đất do Nhà nước kê khai hoặc xây dựng sau ngày 22-4-2002.
Tại Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (quận Tân Phú và Bình Tân) cũng còn 60 hộ dân đứng trước nguy cơ “vô gia cư”, nếu tháo dỡ nhà để giao đất cho chủ đầu tư. Hơn 12 năm nay, mặt bằng dự án vẫn chưa giải tỏa xong. Nhiều hộ nằm trong diện không thuộc đối tượng được TĐC đã cố bám trụ, vì giao mặt bằng cũng có nghĩa họ trở thành người vô gia cư.
Theo bà Đào Thị Kim Tuyến (ở 43/26 đường Số 10, khu phố 11, Bình Hưng Hòa) gia đình đã mua đất, xây dựng nhà từ năm 1999. Đây là thời điểm trước khi TP công bố lộ giới hành lang sông rạch. Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận lại cho rằng nhà bà xây dựng trên hành lang sông rạch, chỉ hỗ trợ chứ không đền bù và bố trí TĐC. Không riêng gia đình bà Tuyến mà nhiều hộ dân ở đây cũng cố giữ nhà để ở, được ngày nào hay ngày đó.
Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn người dân không thuộc diện TĐC trong các dự án đang giải tỏa đền bù là người nghèo, hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn. Nhà ở của họ thường có diện tích nhỏ nhưng chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai, như sang nhượng bằng giấy tay, tự xây dựng.
Cần chốn an cư
Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là nhà ở của người bị giải tỏa dành đất cho dự án phải tốt hơn, tối thiểu cũng bằng nơi ở cũ. Thế nhưng, theo quy định hiện nay, việc bố trí nơi ở mới cho những hộ dân bị giải tỏa chưa được như mong muốn, còn đối tượng không được TĐC thì cơ hội có lại chỗ ở mới vô cùng nhỏ nhoi.
Thực tế hiện nay, Nhà nước đã sử dụng Luật Đất đai để điều chỉnh vấn đề giải tỏa, đền bù nhà ở. Luật Đất đai mới chú trọng việc đền bù đất, mà xem nhẹ việc ở của người dân bị thu hồi nhà. Chính vì thế, người dân tạo lập nhà ở ngay tình, nhưng rơi vào các tình huống như tự chuyển mục đích làm nhà ở từ ngày có quyết định thu hồi đất, hoặc từ ngày 22-4-2002, hoặc từ ngày công bố quy hoạch, cắm mốc phạm vi hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật trở về sau thì người đang sử dụng đất ở cũng chỉ được bồi thường hỗ trợ theo đất nông nghiệp, có nghĩa là nhà ở không được công nhận. Người dân mất trắng nhà, không được TĐC khi bồi thường, giải tỏa.
Trong khi đó, chính sách nhà ở dành cho đối tượng bị giải tỏa nhà, nhưng không thuộc diện TĐC chưa được quan tâm đúng mức. Theo Điều 19 Nghị định 69/2009 của Thủ tướng Chính phủ, về hỗ trợ đền bù, TĐC, có quy định khi giải tỏa cá nhân, gia đình không có chỗ ở nào khác thì giao đất ở hoặc bố trí nhà TĐC. Cụ thể hóa Nghị định 69, tại khoản 9 Điều 37 của Quyết định 35/2010 của UBND TP quy định: Những người không được TĐC được mua nhà, nền đất TĐC nhưng phải theo giá trị thị trường. Nếu người dân không có điều kiện mua nhà đất thì tùy vào năng lực quỹ nhà đất của địa phương để bố trí cho người dân thuê nhà. Trong khi quỹ nhà đất chưa đủ để bố trí cho đối tượng được TĐC, thì những điều kiện này chỉ đánh đố người dân, bởi hầu hết những đối tượng này thường là người nghèo, số tiền hỗ trợ, đền bù ít.
Luật Đất đai 2003 không đề cập đến việc an cư cho những đối tượng không thuộc TĐC. Theo Điều 79 Luật Đất đai 2003, quy định đối với trường hợp bị thu hồi nhà đất nhưng không còn nơi ở nào khác thì Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất có thu tiền.
Theo Luật gia Nguyễn Linh Giang (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), việc luật định về nhà ở cho đối tượng thuộc diện không được TĐC là bước tiến bộ mới. Hàng trăm gia đình bị giải tỏa trong các dự án trên địa bàn TPHCM, vốn không được TĐC, đang có hy vọng được an cư. Khi áp dụng luật, những quy định có lợi cho người dân sẽ được hồi tố, vì thế những người bị thu hồi nhà được áp dụng luật mới thay cho quy định cũ.
Điều cần thiết hiện nay là Nhà nước cần thay đổi quy định về đền bù, giải tỏa, TĐC, để người dân có nhà bị giải tỏa sẽ được bố trí nhà ở mới thay cho phân loại được TĐC và không được TĐC như hiện nay.
TRẦN YÊN