Đối tác thân thiết
Hợp tác năng lượng sạch, công nghệ kỹ thuật cao, chăm sóc sức khỏe sẽ là những chủ đề trọng tâm trong chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ. Trong chặng dừng chân tại Đức, Thủ tướng Modi có cuộc tiếp xúc với người đồng cấp Olaf Scholz. Hai nhà lãnh đạo đồng chủ trì Hội nghị tham vấn liên chính phủ Ấn Độ - Đức. Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Modi với nhà lãnh đạo nước Đức sau khi ông Olaf Scholz lên nắm quyền vào cuối năm ngoái.
Ở Paris, Thủ tướng Modi gặp và chúc mừng Tổng thống Pháp vừa tái cử Emmanuel Macron. Pháp là một trong những đối tác song phương thân thiết nhất của Ấn Độ. New Delhi và Paris có mối quan hệ chính trị và quốc phòng rất chặt chẽ với việc hai bên sẵn sàng hỗ trợ nhau trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi, cũng như tương đồng quan điểm về vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Modi cũng sẽ phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - Bắc Âu ở Copenhagen, Đan Mạch. Tại hội nghị, ông Modi sẽ có cuộc gặp với nhà lãnh đạo của các nước Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Iceland. Trong bối cảnh Ấn Độ muốn thúc đẩy các mối quan hệ song phương chặt chẽ hơn với các nước Bắc Âu, những chủ đề đầu tư về công nghệ sạch và thương mại sẽ được xếp lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự tại Copenhagen.
Chuyến đi của Thủ tướng Modi diễn ra trong bối cảnh giới chức châu Âu liên tục gửi tín hiệu muốn thắt chặt quan hệ đối tác với quốc gia Nam Á này. Với Ấn Độ, châu Âu - đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) có tầm quan trọng chiến lược và là đối tác thương mại lớn nhất. EU chiếm tới 11,1% tổng giao dịch thương mại của quốc gia Nam Á, “ngang ngửa” với Mỹ và vượt trên Trung Quốc. Với EU, Ấn Độ là một cường quốc có ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực được đánh giá có vai trò địa chính trị quan trọng trong chính sách đối ngoại của khối này.
Hợp tác mang tính chiến lược
Trước đó, vào ngày 26-4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von de Leyen đến Ấn Độ và đưa ra đề nghị cùng thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ chung. Thủ tướng Ấn Độ đã ủng hộ đề nghị này. Trong số các đồng minh thân thiết của EU, mới có Mỹ được EU đề nghị thành lập Hội đồng này vào năm ngoái. Ấn Độ là quốc gia thứ hai. Điều này cho thấy, EU đặc biệt coi trọng vai trò và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trong sân chơi thương mại và công nghệ toàn cầu.
Sở dĩ việc thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ chung EU - Ấn Độ đáng chú ý là vì đây là cơ chế cho phép hai bên thúc đẩy các hợp tác sâu rộng mang tính chiến lược trên nhiều lĩnh vực. Việc bà Ursula von der Leyen đến thăm Ấn Độ, ngoài mục đích đưa quan hệ hai bên lên tầm cao chiến lược mới, có thể coi là tương đương với cấp độ đồng minh thân cận, còn cho thấy EU muốn tạo đối trọng và kiềm chế sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực, cũng như dần kéo Ấn Độ ra khỏi ảnh hưởng của Nga.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Ấn Độ xích lại gần EU nhưng chưa hẳn ngả về phương Tây hoàn toàn và quốc gia Nam Á này khó thay đổi cách tiếp cận với Nga. New Delhi muốn gia tăng vị thế của mình và cân bằng những lợi ích chiến lược trong các mối quan hệ với Mỹ, EU và Nga. Trước chuyến thăm của bà Ursula von de Leyen, Thủ tướng Narendra Modi cũng tiếp người đồng cấp Anh Boris Johnson và công bố mối quan hệ quốc phòng an ninh mới giữa hai nước.