Lâu nay “vấn nạn” mà người dân thường gặp khi đến các cơ quan công quyền là đối mặt với những “đầy tớ” trong tâm trạng e dè, lo lắng… bởi họ lúc nào cũng mang đôi mắt lạnh lùng nhìn “ông chủ” của mình.
Vấn đề thủ tục hành chánh của chúng ta đôi khi bị kéo dài do cán bộ không hướng dẫn cụ thể cho người dân(?) và nhất là việc họ tiết kiệm lời chỉ dẫn, để người dân phải 5 lần 7 lượt trở đi trở lại bổ túc hồ sơ. Như tôi từng xin cấp lại giấy quyền sử dụng đất mà phải mất đến 2 năm trời do bổ sung hồ sơ và cả thời gian bị ngâm hồ sơ.
Cán bộ công chức (CBCC) rất cần có sự cởi mở, vui vẻ bằng những nụ cười. Cho nên sau này mới có những chủ trương “nụ cười thân thiện” khi CBCC tiếp xúc với dân. Hình ảnh các CBCC đến công sở trong những bộ quần áo nghiêm chỉnh tạo ấn tượng và vẻ tin cậy trong việc phục vụ nhân dân. Có những nơi trên bảng nội quy ghi rõ, khi người dân đến công sở để liên hệ công việc bắt buộc phải ăn mặc tề chỉnh và không hút thuốc lá.
Ở địa phương tôi, những ai đến liên hệ công việc mà mặc quần đùi, áo thun ba lỗ… đều bị mời về nhà thay đồ rồi mới được giải quyết công việc. Đó cũng là một nét văn hóa nơi công sở cần được thực hiện một cách nghiêm túc và phát huy. Việc sắp hàng thứ tự trước, sau cũng cần được thực hiện nghiêm túc.
Tất cả những hình ảnh diễn ra nơi công sở đều cần được sự hợp tác của cả hai bên – CBCC và nhân dân. Tuy nhiên có một điều mà lâu nay chúng ta thường không để ý là những người khuyết tật khi đến công sở đều bị đánh đồng như những người bình thường khác, chúng ta cần phải có sự ưu tiên cho những người này – người tàn tật, người khiếm thị… Đó mới thật sự là hình ảnh văn hóa rõ nét nơi công sở.
ĐÀM VŨ TRI (TPHCM)
Mấy suy nghĩ về văn hóa công sở
Báo SGGP mở diễn đàn “Xây dựng văn hóa nơi công sở” là nhìn thẳng vào sự thật. Trong chuyên đề Cải cách hành chánh trên Báo SGGP ngày 23-6-2009, chính Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Hoài Trung của TPHCM thừa nhận tình trạng hồ sơ bị chậm trễ là do CBCC còn yếu kém, là cần chấn chỉnh.
Ý kiến của nhà báo Linh Đan hỏi Thủ tục như thế sao còn bị ách? cho bạn đọc thấy có cái gì “lờ mờ” khi CBCC giải quyết hồ sơ nhà đất với dân. Bản thân tôi rất đau khi chứng kiến cảnh thân nhân của cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, rất khổ sở khi đi ngân hàng nổi tiếng rút tiền tiết kiệm của cô để giúp học bổng cho các em học sinh nghèo và xây nhà tình thương cho người dân Gò Công, quê hương cũ của bà. Bà mất hơn một tháng nay, mà nguyện vọng không được thực hiện!
Theo tôi, để xây dựng văn hóa công sở, trước hết CBCC, đặc biệt là đảng viên, lãnh đạo nơi đó phải có ý thức tốt, phải biết xấu hổ khi không làm tròn trách nhiệm.
Thứ hai, muốn làm tốt phải có học nghiệp vụ, biết luật hành chánh, đừng làm việc như khẩu hiệu suông. Đừng chọn CBCC theo kiểu gởi gấm, thân quen.
Nhiều người đòi nụ cười nơi công sở, tôi thì không. Tôi làm dân, chỉ mong các công sở giải quyết được điều tôi cần khi tôi đã đủ hồ sơ.
Và xây dựng công sở văn hóa trong nội bộ của cơ quan cũng quan trọng. Cán bộ công chức ở đó phải biết tự tôn trọng nơi mình làm việc, ăn mặc đàng hoàng, nói năng lịch sự với nhau. Trong các nghi lễ, nghi thức của cơ quan phải trang trọng, đúng mực.
Phải biết lắng nghe mình và cơ quan mình: mọi người quan tâm tới cơ quan mình nhiều hay ít! Uy tín cơ quan mình với bên ngoài ra sao? Giải quyết các mối quan hệ của cơ quan nhất là các mâu thuẫn, xung đột ở cơ quan mình có tốt không, thỏa đáng - công bằng không, nhất là về công việc, lợi ích chung - riêng…
TRẦN ANH TÀI (81 lô H, khu phố 3, phường An Lạc A, quận Bình Tân)