Án" Mạc tu hữu" là án gì?

Hỏi:

Hỏi: Trong tiểu sử Trần Quý Cáp (1870-1908) do Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) biên soạn có đoạn: “Tiên sinh tuy đã vào miền Nam nhưng vì cớ lãnh tụ phái tân học, lại đề xướng dân quyền, tự do… [bị] kết án “Mạc tu hữu”, tiên sinh lên đoạn đầu đài, thật là thê thảm!”. Xin cho biết án Mạc tu hữu là án gì?
Nguyễn Hùng Tân (Q.Thủ Đức, TPHCM)

Không chỉ cụ Huỳnh gọi bản án kết tội Trần Quý Cáp là “Mạc tu hữu” mà cụ Sào Nam trong bài văn tế cũng viết: … “chánh phủ Bảo hộ nước Pháp vô cớ khép cho ông cái án “Mạc tu hữu” “…

Ba chữ Mạc tu hữu được lấy từ điển tích Nhạc Phi - Tần Cối đời nhà Tống. Nhạc Phi là danh tướng nhà Nam Tống. Tần Cối là gian thần, nhân danh vua Cao Tông, bắt hạ ngục Nhạc Phi rồi ngầm sai bọn ngục tốt giết chết.

Có người hỏi Tần Cối rằng : “Nhạc Phi bị tội gì mà bị giết?”. Tần Cối đáp: “Mạc tu hữu” nghĩa là muốn giết thì giết, cần gì phải có tội! Từ đó ba chữ Mạc tu hữu (Cần gì phải có!) dùng để chỉ những bản án do bọn gian nhân đắc thế, dùng cường quyền giết người yêu nước. Còn có một cụm từ tương tự là Tam tự ngục (án ba chữ). Khi nói Trần Quý Cáp bị án Mạc tu hữu là gián tiếp lên án thực dân và triều đình tay sai đã áp đặt bản án tử hình đối với chí sĩ yêu nước Trần Quý Cáp mà chẳng cần chứng cứ cụ thể.

Khánh Tường

Tin cùng chuyên mục