Đã có bao lời khen ngợi từ những du khách thập phương, từ những người con xa xứ trở về và từ chính người dân Đà Nẵng. Một Đà Nẵng hiền hòa và năng động, một đô thị Đà Nẵng phát triển vượt bậc nhưng đậm màu xanh sinh thái; nhấp nhô núi, êm đềm sông, vây quanh bờ biển cong cong quyến rũ đến ngất ngây…
Thương hiệu Đà Nẵng
Trước năm 1997, Đà Nẵng chỉ là một thành phố loại 2 thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau mốc thời gian ấy, việc tách thành TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam như một tất yếu của quá trình phát triển, tạo điều kiện cho cả Đà Nẵng và Quảng Nam cùng đi lên. Trực thuộc trung ương và tiếp đó là được công nhận là Đô thị loại 1 cấp quốc gia, Đà Nẵng đã “thay da đổi thịt” từng ngày. Sự thay đổi tích cực và nhanh đến mức nhiều người sau 1-2 năm quay lại Đà Nẵng đều tỏ ra ngạc nhiên, thốt lên: Đà Nẵng sao lạ quá, khác quá!
Một thời, nói đến Đà Nẵng mọi người đều nghĩ ngay đến chiếc cầu quay sông Hàn - biểu tượng đáng tự hào của thành phố. Ý nghĩa của chiếc cầu ấy chính là bằng sức lực nội tại của thành phố qua một cuộc vận động “xã hội hóa” đầu tư ngoạn mục nhất từ trước đến nay. Sự ra đời của nó đã nối liền hai bờ Đông và Tây sông Hàn, biến diện mạo của khu vực quận 3 vốn nghèo khó, chậm phát triển, bỗng vụt lớn dậy “bằng chị bằng em” với bờ Tây đô hội và sầm uất, chấm dứt một thời lênh đênh trên những chuyến phà, chuyến đò ngang.
Con sông Hàn lững lờ giữa lòng thành phố, một thời hai bờ Đông-Tây, Nam-Bắc là khoảng cách của giàu-nghèo nay đã hòa chung một dòng phát triển. Sau cầu Sông Hàn là cầu Cẩm Lệ, đặc biệt cây cầu Thuận Phước, cầu dây võng dài nhất Việt Nam được xây dựng đã biến bán đảo Sơn Trà hoang vu xưa nay như thành “tiên cảnh” với các biệt thự nhấp nhô, những khu resort đẹp mê người giữa núi và biển. Rồi chiếc cầu Rồng kéo dài từ đại lộ Nguyễn Văn Linh nối dài đến đường Sơn Trà-Điện Ngọc vừa được khởi công và đang gấp rút hoàn thiện. Đó là chưa kể những chiếc cầu mới thay thế cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Trần Thị Lý, cầu Hòa Xuân… đều bắc qua sông Hàn.
Ngoài vịnh Đà Nẵng, bãi biển phía Đông Đà Nẵng chạy dài từ bán đảo Sơn Trà đến Điện Ngọc đẹp đến mức tạp chí uy tín Forbes của Mỹ bình chọn là 1 trong 6 “Bãi biển quyến rũ nhất hành tinh” - một thương hiệu sáng giá tạo lợi thế cho nhiều ngành dịch vụ của thành phố.
Độc đáo Đà Nẵng còn là khi chán chê nắng, gió, biển, cát trắng mịn màng… chỉ 25 phút ô tô là du khách đặt chân lên vùng khí hậu mát lạnh với khói sương huyền ảo Bà Nà - một “Đà Lạt thứ hai” của cả nước, một khu du lịch đã nổi tiếng từ cách đây cả 100 năm. Và nó càng nổi tiếng hơn khi di chuyển bằng tuyến cáp treo đạt 2 kỷ lục thế giới: Tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,02m) và có độ dốc lớn nhất thế giới (độ chênh gần 1.300m).
“Thương hiệu” Đà Nẵng lan tỏa với tốc độ chóng mặt với sự kiện cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế - một lễ hội quốc gia rực rỡ sắc màu, âm thanh và ánh sáng bên bờ sông Hàn, cuốn hút vài trăm ngàn người thưởng ngoạn. Đến hôm nay, 35 năm sau ngày giải phóng, những quyết sách thật táo bạo của lãnh đạo thành phố trong xây dựng hạ tầng, an sinh xã hội với chương trình “5 không”, “3 có”… cũng trở nên một “thương hiệu” đáng nể của thành phố biển miền Trung này.
Thành phố ”xanh”
Có một Đà Nẵng “núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi” - như lời bài hát “Đà Nẵng tình người” của nhạc sĩ Đình Thậm. Không những hạ tầng đô thị khang trang, văn minh hiện đại, Đà Nẵng đang gắng tạo lập những mảng xanh trong thành phố để hòa điệu với sự ưu đãi của thiên nhiên xanh dịu dàng của biển, vây quanh màu xanh của núi Sơn Trà, Hải Vân, Ngũ Hành Sơn, Phước Tường…
Để gìn giữ và phát huy những giá trị đó, Đà Nẵng đã và đang thực hiện đề án “Thành phố môi trường”. Sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó tỷ trọng dịch vụ trong GDP được định hướng chiếm trên 60% GDP đến năm 2020, sẽ là điều kiện tiên quyết cho các chính sách về môi trường.
Tham khảo các bộ tiêu chí thành phố môi trường của một số quốc gia và chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, dự thảo Đề án “Thành phố môi trường” đã đưa ra 24 tiêu chí và 3 mốc lộ trình thực hiện đến năm 2020. Đã có những giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường bằng việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải đồng bộ, cùng lúc nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đến năm 2020 sẽ có hơn 90% dân số nội thành và 70% dân số các xã ngoại ô được sử dụng nước sạch. Hơn 40.000 cây xanh đang được ươm trồng, đảm bảo cung cấp cho nhu cầu cây xanh đến năm 2010 là khoảng 80.000 cây trong khu vực nội thị và khoảng 150.000 cây đến năm 2020.
Quy hoạch phát triển không gian đô thị cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố phải được đặt trong mối tương quan mật thiết với môi trường, môi sinh.
Tổng chi phí cho đề án này lên đến hàng ngàn tỷ đồng, được huy động từ ngân sách nhà nước cũng như sự đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Nguyễn Hùng