Ánh Viên và Schooling, người xưa bến khác

Khi Joseph Schooling giành HCV Olympic 100m bơi bướm nam, cả Đông Nam Á sửng sốt, vinh quang càng nhân lên gấp bội khi bại tướng của anh lại là Michael Phelps huyền thoại. Thời khắc đó, có ai ở Việt Nam nhớ cho 1 năm về trước, “Tiểu tiên cá” Ánh Viên của chúng ta đã từng đua tranh số huy chương với nhà vô địch Olympic Schooling.

Tháng 6-2015, SEA Games 28 tổ chức tại Singapore. Người hâm mộ chứng kiến một cuộc cạnh tranh huy chương hấp dẫn của cặp đôi bơi lội đến từ 2 quốc gia. Joseph Schooling của chủ nhà Singapore và Nguyễn Thị Ánh Viên của Việt Nam. Kết thúc đại hội, Joseph Schooling đoạt 9 HCV, phá 10 kỷ lục, qua đó trở thành VĐV xuất sắc nhất SEA Games 28, còn Nguyễn Thị Ánh Viên giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục, và được ban tổ chức bầu chọn là VĐV nước ngoài xuất sắc nhất đại hội.

Tháng 8-2015, Schooling và Ánh Viên cùng dự Giải vô địch thế giới diễn ra tại Kazan (Nga) trong niềm kỳ vọng lớn lao của người hâm mộ 2 quốc gia. Ánh Viên phải dừng bước tại vòng loại 200m tự do nữ, bị loại tại bán kết 200m cá nhân hỗn hợp nữ và về thứ 10 tại vòng loại chung kết 400m hỗn hợp nữ. Trong khi đó, Joseph Schooling xuất sắc đoạt tấm HCĐ ở cự ly 100m bướm nam. Chiếc huy chương lịch sử của bơi lội của Singapore.

Joseph Schooling và Ánh Viên.

Rio 2016, Joseph Schooling về nhất nội dung 100m bơi bướm, đoạt HCV đồng thời lập kỷ lục mới của Olympic. Còn VĐV nữ đã đứng ngang với anh 1 năm trước trên đấu trường SEA Games ở đâu?  Cô lần lượt thất bại ở 400m hỗn hợp, 400m tự do và 200m hỗn hợp, không thể vào đến chung kết dù chỉ 1 trong 3 nội dung đó. Tâm sự của Ánh Viên khi kết thúc giải khiến người hâm mộ Việt Nam rất thương xót: “Em xin lỗi mọi người, em làm không tốt trong bài thi của mình. Em phải cố gắng phấn đấu để không lặp lại thất bại”.

Xuất phát điểm, cả 2 đều là cá kình của làng bơi Đông Nam Á, nhưng khi bơi ra biển lớn, chỉ có Schooling vẫn là cá kình. Nhưng thất bại hôm nay của Ánh Viên không khiến cô phải chịu sự cô đơn, những lời động viên sẽ luôn ở bên cô. Chỉ là 1 năm qua, thể thao nước nhà đã sai điều gì, hay chính Ánh Viên đã thiếu hụt ở đâu, mà giờ “Tiểu tiên cá” với bao kỳ vọng rớt lại phía sau Schooling xa đến như thế?

Lịch sử rồi đây sẽ viết rằng: Joseph Schooling là VĐV Đông Nam Á đầu tiên giành HCV Olympic một nội dung bơi. Trêu ngươi quá chăng? Nếu lùi lại thời xa xưa để biết cái “thạo nghề sông nước” vốn là nghề của quân dân nước Nam.

Cho đến bây giờ, những tài liệu lịch sử còn sót lại của Trung Quốc vẫn kể về Việt Nam với những dòng như sau “người Việt lặn giỏi, bơi tài, thạo thủy chiến, giỏi dùng thuyền”, “có thể đi dưới nước”. Năm 1070, trong một tờ khải tâu lên Tống Thần Tông bàn việc đưa binh xâm chiếm Đại Việt, đại thần Triệu Bổ Chi đã viết: “Vả lại người Giao Chỉ giỏi thủy chiến. Từ xưa truyền lại rằng người Việt lội xuống nước đội thuyền địch để lật úp. Đỗ Mục nói chúng có kẻ đi chìm dưới đáy biển 50 dặm mà không thở”. Chẳng có lời khen nào giá trị hơn lời khen kẻ thù.

Lịch sử đấu tranh giữ nước và giành độc lập dân tộc đã được phát triển thành truyền thống thạo thủy chiến. Ngoài trận chiến kinh thiên động địa trên Rạch Gầm – Xoài Mút khiến quân Xiêm chạy không dám ngoái đầu, Quang Trung Nguyễn Huệ còn đánh tan 20 vạn quân Thanh sau chuyến hành quân thần tốc ra Bắc mà hậu thế vẫn râm ran giả thuyết ông sử dụng đường thủy. Lại nữa, trong chiến tranh chống Mỹ, lực lượng đặc công rừng Sác đã tạo ra bao nhiêu huyền thoại sát nách Sài Gòn. Thậm chí đến tháng 5-2016, khi bàn về lực lượng Việt Nam, Tờ Hoàn Cầu và Tân Hoa Xã (Trung Quốc) còn phải dành hẳn 1 bài cho lực lượng đặc công thủy Việt Nam, đánh giá không kém gì đặc nhiệm Hải quân SEAL của Mỹ.

Địa hình đặc biệt với hệ thống sông ngòi chằng chịt, đường bờ biển dài, nên lực lượng thủy quân của Việt Nam rất thiện chiến, kéo theo đó là những người dân thạo nghề sông nước. Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, triều đại có võ công vĩ đại nhất lịch sử nước nhà với 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông: triều Trần, vốn xuất phát từ nghề chài lưới.

Quá khứ là hành trình tự tin để bước đến tương lai. Đất nước ta có một lịch sử vinh quang trên mặt nước. Hãy tin rằng, một ngày nào đó, lá cờ Tổ quốc sẽ bay cao trên đấu trường Olympic ở một nội dung bơi. 2000 năm của dân tộc Việt Nam, biển và nước là hồn quốc.

DŨNG PHAN

Tin cùng chuyên mục