Tai nạn giao thông thảm khốc tại Bình Thuận - Xe du lịch rơi xuống vực

Nỗ lực cứu người trong đêm

Cứu hộ giữa đêm tối, vực sâu
Nỗ lực cứu người trong đêm
  • 10 du khách Nga và 1 phiên dịch viên người Việt thiệt mạng
  • 17 người bị thương

Vào khoảng 19 giờ ngày 13-3, tại khu vực đèo Đại Ninh, thuộc địa phận xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng. Xe du lịch mang biển số 86H-2329 của HTX xe khách Phan Thiết chạy hợp đồng, do Nguyễn Thế Lâm (SN 1969, trú tại khu phố 6, phường Phú Trinh, TP Phan Thiết) điều khiển, đến địa phận trên mất thắng, rơi xuống đèo gây ra tai nạn.

Vị trí xe bị lao xuống là một cái vực cách đường khoảng 60m thuộc dốc Lò Xo, núi Chẻ Đôi, cách Nhà máy thủy điện Đại Ninh khoảng 500m. Trên xe chở 26 du khách nước ngoài đi từ Mũi Né (TP Phan Thiết) tham quan Đà Lạt trên đường trở về và 2 người Việt Nam (tài xế và phiên dịch kiêm hướng dẫn tên Phan Bá Trinh).

Tai nạn xảy ra làm 8 du khách và 1 phiên dịch viên người Việt chết tại chỗ, 16 người khác trong đó có tài xế bị thương nặng chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Trọng và sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Có 2 người bị thương nhẹ đã về Phan Thiết trong đêm. Chiếc xe bị nạn mắc kẹt trong một hốc đá dưới vực, nhiều người trong xe bị văng ra khỏi ghế giữa bốn bề rừng núi giữa đêm đen.

Cứu hộ giữa đêm tối, vực sâu

Nỗ lực cứu người trong đêm ảnh 1

Nạn nhân được đưa ra khỏi rừng trong đêm tối.

Nơi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc nhìn từ đỉnh đèo Lò Xo là một vực sâu thẳng đứng và hun hút không nhìn thấy đáy. Thượng úy Vũ Ngọc Thuận (Công an huyện Bắc Bình) nói: “Độ cao xe lao xuống hơn 200m thẳng đứng. Từ mép đường đèo, chúng tôi chóng mặt khi nhìn xuống, hoàn toàn không phát hiện vết xe rơi. Có lẽ trong tích tắc khi lao từ bên này qua bên kia miệng vực, chiếc xe đã rơi tự do theo phương thẳng đứng không để lại dấu vết; những người thoát chết chắc do văng ra ngoài khi xe rơi, không thoát ra khỏi xe thì không có cách gì sống nổi”.

Tại hiện trường, chiếc xe hiệu Isuzu 29 chỗ mang BKS 86H-2329 đã nát toàn bộ phần đầu xe, bay mất trần, toàn bộ các hàng ghế úp về phía trước và không còn dấu vết của du khách. Tất cả đã văng ra rải rác trong rừng cây trong một khoảng đường rừng dài gần 500m từ đường lên đỉnh.

Kỹ sư Ngô Văn Hiệu đang làm việc tại Nhà máy thủy điện Đại Ninh là người đầu tiên phát hiện vụ tai nạn kể lại: Vào 19 giờ 36 phút, anh đang lái xe ô tô vượt đỉnh đèo Lò Xo để về trụ sở văn phòng dự án đóng tại Ninh Gia (Đức Trọng, Lâm Đồng) thì phát hiện một người phụ nữ nước ngoài đang quỳ làm dấu thánh và phát tín hiệu cầu cứu giữa đường. Người phụ nữ nói vài câu tiếng Anh và anh nhanh chóng hiểu được vụ việc.

Ngay sau đó, anh Hiệu chở người phụ nữ này trong trạng thái hoảng loạn về trụ sở nhà máy thủy điện dưới chân đèo. Điện thoại cấp cứu được các nhân viên Công ty Thủy điện Đại Ninh gọi khẩn cấp về các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận. Cùng lúc đó, tất cả các nhân viên có mặt lao vào rừng tìm người nhưng phải 20 phút sau những nhân viên cứu hộ mới tìm được địa điểm xe rơi.

Khoảng hơn 20 người dân địa phương ở phía dưới cũng tích cực tham gia với công nhân cứu hộ. Trong khi đi tìm cứu những người còn sống, lực lượng cứu hộ đã phát hiện nhiều người chết văng ra khỏi xe nằm rải rác từ đỉnh đèo xuống đến tận dòng suối cạn sâu trong rừng.

Thống kê tại chỗ có 9 người chết, trong đó có 1 hướng dẫn viên người Việt tên Trinh, số còn lại đều là người Nga. Nạn nhân tử vong đầu tiên được phát hiện cách miệng vực chỉ khoảng 8m nhưng người cuối cùng đã chết được tìm thấy lại cách điểm xe rơi tới hơn 200m. Do xe bị rơi khá sâu giữa một vực sâu và giữa đêm tối không có dân cư, đường đèo dốc, vực sâu, không có sóng điện thoại di động nên công tác cứu nạn khá vất vả.

Nỗ lực cứu người trong đêm ảnh 2

Vượt rừng vào cứu người bị nạn trong đêm tối. Ảnh: Công Hoan

Đến gần 2 giờ sáng 14-3, có tổng cộng 17 người đã được người dân và lực lượng chức năng đưa lên đường và chuyển đi cấp cứu. Nhà máy thủy điện Đại Ninh đã điều 5 xe ô tô đưa các nạn nhân về cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng cứu chữa, sau đó được chuyển tiếp lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng lúc 2 giờ sáng. Lúc này có 2 nữ du khách Nga nữa tử vong trên đường tới bệnh viện.

Bác sĩ Ngô Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, cho biết: Các nạn nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương như bị chấn thương đầu, gãy tay chân, vỡ xương chậu, trong đó có 4 trường hợp bị nặng. Bệnh viện đã huy động tối đa y bác sĩ để kịp thời cấp cứu cho nạn nhân. Do không hiểu ngôn ngữ nên các bác sĩ không hỏi được chính xác tên nạn nhân mà phải đánh số để kiểm soát, phục vụ công tác cứu chữa.

Khoảng 6 giờ 30 sáng 14-3, ông Huỳnh Đức Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã đến bệnh viện thăm hỏi, động viên các nạn nhân. Cũng trong buổi sáng, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã huy động 9 xe cấp cứu của bệnh viện và tư nhân để đưa toàn bộ nạn nhân (trong đó có trẻ em) chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) điều trị. Thi thể 2 nữ du khách chết trên đường vào bệnh viện cũng được chuyển về Bệnh viện Việt – Pháp theo yêu cầu.

Sáng 14-3, công tác cứu hộ - đưa thi thể nạn nhân xấu số được tiếp tục. Người dân xã Ninh Loan (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã mang xe công nông có gắn tời tới hiện trường mới kéo được xe từ vực sâu lên. Đại diện Lãnh sự quán Nga tại TPHCM cũng đã có mặt tại hiện trường để kịp thời đưa thi thể các nạn nhân về TPHCM. Đến 13 giờ cùng ngày, việc cứu nạn hoàn tất và chiếc xe bị nạn đã được cẩu lên xe cứu hộ về Phan Thiết.

BV Chợ Rẫy: Cấp cứu thành công 15 người

Sau khi được sơ cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, ngay trong sáng 14-3, 15 nạn nhân bị thương trong tai nạn giao thông thảm khốc tại khu vực đèo Đại Ninh, thuộc địa phận xã Phan Lâm – huyện Bắc Bình đã được cấp cứu chuyển viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

Lúc 13 giờ 3 phút, khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận nạn nhân đầu tiên và tiếp đó cho đến 15 giờ chiều cùng ngày đã có tổng cộng 15 trường hợp trong vụ tai nạn thảm khốc này chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong số này có 14 nạn nhân là du khách người Nga (12 người lớn và 2 trẻ nhỏ, nạn nhân nhỏ tuổi nhất sinh năm 2005) và 1 tài xế người Việt.

Theo bác sĩ Dương Xuân Chức – Phó Bí thư Đảng ủy, người phụ trách trực bệnh viện trong ngày: Ngay sau khi nhận được tin báo từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuẩn bị ngay tinh thần để xử trí, cấp cứu kịp thời cho tất cả các nạn nhân.

Không chỉ huy động nhân lực – vật lực ở khoa Cấp cứu, bệnh viện đã quyết định huy động tổng lực các khoa phòng: X-quang, CT, ngoại thần kinh, chấn thương chỉnh hình, chấn thương sọ não, tai mũi họng… tiên liệu mọi thứ để có thể xử trí kịp thời những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Quyết định của lãnh đạo bệnh viện là sẵn sàng tinh thần và triển khai cấp cứu theo phương thức cấp cứu thảm họa.

Cũng theo bác sĩ Chức, cho đến lúc 18 giờ cùng ngày, tất cả các nạn nhân đều đã bình ổn, tỉnh táo. Theo chẩn đoán lâm sàng (và một số trường hợp đã có kết quả xét nghiệm), 15 trường hợp này đã được nhập viện trong tình trạng không nghiêm trọng, một số tương đối nhẹ, chủ yếu là chấn thương đầu và chân. Nhiều nạn nhân đã được đưa về điều trị ở các khoa, phần lớn được đưa về khoa điều trị theo yêu cầu.

Bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái – Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Bệnh viện đã huy động toàn bộ các bộ phận và cố gắng phục vụ chu đáo nhất trong điều kiện có thể cho các nạn nhân.

Được biết trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, ê kíp y bác sĩ trực tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cũng vừa cấp cứu kịp thời cho 6 trường hợp bị tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Phú Giáo – Bình Phước.

Nhóm PV

Nỗ lực cứu người trong đêm ảnh 3

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài (đứng, trái) thăm hỏi một du khách Nga gặp tai nạn tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Ảnh: KIM LIÊN

 

Tin cùng chuyên mục