Vụ cất bốc 73 hài cốt liệt sĩ ở Đắk Lắk: Cần được điều tra xử lý

Trong thời gian qua, người tự xưng “nhà tâm linh” Nguyễn Văn Thúy (Nguyễn Thanh Thúy, còn gọi là cậu Thủy, 54 tuổi, ở Bắc Ninh) cùng vợ Mẫn Thị Duyên (51 tuổi) đã kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam “tìm thấy” 73 hài cốt liệt sĩ ở xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk. Nhưng đến nay, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa khẳng định vụ việc này.
Vụ cất bốc 73 hài cốt liệt sĩ ở Đắk Lắk: Cần được điều tra xử lý

Trong thời gian qua, người tự xưng “nhà tâm linh” Nguyễn Văn Thúy (Nguyễn Thanh Thúy, còn gọi là cậu Thủy, 54 tuổi, ở Bắc Ninh) cùng vợ Mẫn Thị Duyên (51 tuổi) đã kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam “tìm thấy” 73 hài cốt liệt sĩ ở xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk. Nhưng đến nay, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa khẳng định vụ việc này.

Cất bốc hài cốt trong đêm

Sau khi ông Dương Quyết Thắng (Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam) tìm thấy hài cốt bố mình là liệt sĩ Dương Văn Mừng (hy sinh năm 1968 tại thôn 1, xã Ea H’leo) bằng phương pháp áp vong của “thầy” Thúy (bị Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố và bắt giam cùng vợ vào ngày 28-10) vào đầu năm 2012, NHCSXH Việt Nam đã lên kế hoạch tìm kiếm hài cốt những liệt sĩ khác tại đây, vì Thúy cho biết khu vực này còn nhiều hài cốt liệt sĩ.

Trong buổi làm việc với Sở LĐ-TBXH tỉnh Đắk Lắk và NHCSXH Việt Nam vào ngày 5-11-2012, Thúy khẳng định còn nhiều hài cốt liệt sĩ của các chiến sĩ Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 (hiện đóng tại tỉnh Gia Lai) hy sinh tại thôn 1, xã Ea H’leo. Sau khi thuyết phục được tỉnh Đắk Lắk, NHCSXH Việt Nam đã phối hợp với Thúy và Duyên sốt sắng đưa người đến cất bốc hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp áp vong.

Nguyễn Văn Thúy (đeo kính, mặc áo kaki) làm các nghi lễ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở Đắk Lắk.

Nguyễn Văn Thúy (đeo kính, mặc áo kaki) làm các nghi lễ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở Đắk Lắk. 

Ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Việc khai quật hài cốt diễn ra từ 17 giờ chiều đến 23 giờ đêm và chủ yếu do người của NHCSXH Việt Nam làm, còn cơ quan chức năng địa phương chỉ giúp sức và giám sát mà thôi. Toàn bộ kinh phí tìm kiếm, cất bốc trả cho Thúy cũng do NHCSXH Việt Nam lo liệu.

Kết quả 2 đợt quy tập (đợt 1 từ ngày 29 đến 31-12-2012 và đợt 2 từ ngày 6 đến 9-3-2013) tại 18 điểm ở Km106, 107, 107, 108 quốc lộ 14 (đoạn đi qua xã Ea H’leo), NHCSXH Việt Nam và “thầy” Thúy đã tìm thấy 73 hài cốt liệt sĩ (trong đó 3 điểm có 1 hài cốt, còn lại là hố chôn tập thể). Theo Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Lắk, trong 73 hài cốt liệt sĩ tìm thấy có 10 hài cốt có tên, họ, quê quán (ghi trên bình tông); 5 hài cốt chỉ có tên và tên đệm, tên viết tắt (ghi trên di vật). Có 3 bộ hài cốt có tên tuổi được gia đình đưa về quê mai táng, còn lại được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk. Di vật được tìm thấy cùng hài cốt có 17 bình tông, 30 ngôi sao vàng, 6 đôi dép cao su, 5 huy hiệu chiến thắng, 2 đoạn dây thắt lưng, 3 nắp ăng-gô, nhiều mảnh kim loại, 2 gói mìn TNT…

Bà Nguyễn Thị Đỉnh, Phó giám đốc Chi nhánh Đắk Lắk NHCSXH Việt Nam, xác nhận: Ngân hàng phải trả cho “thầy” Thúy 75 triệu đồng/bộ hài cốt được tìm thấy, kinh phí này trích từ việc đóng góp một ngày lương của cán bộ, công nhân viên NHCSXH Việt Nam. Như vậy, sau hai đợt quy tập liệt sĩ ở Đắk Lắk, “thầy” Thúy đã bỏ túi hơn 5,4 tỷ đồng.

Ai cho phép “thầy” quy tập hài cốt liệt sĩ?

Hiện Chính phủ chưa có văn bản nào quy định việc quy định quy tập hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp tâm linh ngoại cảm, nhưng không hiểu sao tỉnh Đắk Lắk vẫn cho “thầy” Thúy và NHCSXH Việt Nam quy tập hài cốt liệt sĩ theo cách nói trên. Ông Nguyễn Quang Trường phân bua: “Nếu bình thường, chúng tôi không công nhận việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp tâm linh ngoại cảm. Nhưng do có NHCSXH Việt Nam tham gia, lại có thêm 3 nhân chứng khẳng định từng có những trận đánh ở đây vào năm 1968 và 1972 của Sư đoàn 320. Vì thế, chúng tôi mới đồng ý cho họ cất bốc hài cốt liệt sĩ”.

Vào ngày 26-4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk đã có công văn gửi Sư đoàn bộ binh 320/Quân đoàn 3 đề nghị xác minh có đơn vị nào của Sư đoàn 320 từng hoạt động, chiến đấu ở khu vực xã Ea H’leo trong thời gian chống Mỹ từ 1968 đến 1972 hay không. Nhưng Quân đoàn 3 khẳng định không có đơn vị nào của Sư đoàn 320 từng hoạt động, chiến đấu trong giai đoạn này ở khu vực xã Ea H’leo.

Sau khi hài cốt liệt sĩ được an táng, ngày 17-4, Sở LĐTB-XH Đắk Lắk cũng đã có công văn gửi Cục Người có công Bộ LĐTB-XH xin ý kiến việc lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN đối với 73 hài cốt do “thầy” Thúy tìm thấy. Nhưng sau đó, Cục Người có công lại đề nghị Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Lắk “chưa lấy mẫu sinh phẩm hài cốt để giám định ADN vì toàn bộ số hài cốt đã an táng tại nghĩa trang liệt sĩ và được xây mộ theo đúng quy hoạch của nghĩa trang”. Vì thế, đến nay những hài cốt liệt sĩ do “thầy” Thúy và NHCSXH Việt Nam tìm thấy ở Đắk Lắk chưa được các cơ quan có trách nhiệm xử lý.

CÔNG HOAN


Giám đốc NHCSXH chi nhánh Quảng Trị Hồ Ghi: Chỉ là sự cố quá tin vào nhà ngoại cảm!?

Ngày 29-10, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Hồ Ghi, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Quảng Trị, cho rằng: “Cuối năm 2012 và năm 2013, chương trình tìm kiếm quy tập hài cốt tại Đắk Lắk, Bình Phước và ở thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là do Công đoàn NHCSXH chủ trì phối hợp với nhà tâm linh Nguyễn Thanh Thúy thực hiện. Nhưng từ tận đáy lòng, chúng tôi, những người trực tiếp tham gia vào công việc tìm kiếm và cất bốc hài cốt được cho là liệt sĩ tại thôn Lâm Xuân vừa qua rất buồn và đau đớn vì ai cũng thành tâm nhưng chẳng may gặp phải tên lừa đảo.

Đây chỉ là sự cố quá tin vào “nhà ngoại cảm” Nguyễn Thanh Thúy chứ không có sự móc nối, ăn chia gì đối với NHCSXH như một số thông tin đã phản ảnh. Chúng tôi hy vọng Công an tỉnh Quảng Trị sớm điều tra làm rõ trắng đen và chúng tôi cũng tin pháp luật sẽ xử đúng người, đúng tội”.

Riêng tình tiết: chưa đến thôn Lâm Xuân để khai quật, cất bốc hài cốt liệt sĩ nhưng ngày 15-7-2013, ông Hồ Ghi đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Trị về địa điểm NHCSXH phối hợp với nhà ngoại cảm tìm kiếm vào ngày 25-7-2013 tại thôn Lâm Xuân, có 9 hài cốt liệt sĩ, trong đó 3 hài cốt liệt sĩ có tên? Ông Hồ Ghi giãi bày: “Tôi làm công văn đó cũng chỉ là theo sự chỉ đạo từ cấp trên theo kiểu “trên bảo dưới nghe” mà thôi”.

VĂN THẮNG


Xung quanh việc cơ quan công an bắt, khởi tố vụ án đối tượng Nguyễn Thanh Thúy tự xưng là nhà tâm linh, làm giả hài cốt liệt sĩ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng đã có cuộc trao đổi với báo chí. Đối với câu hỏi về nghi vấn cho rằng, Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 75 triệu đồng/hài cốt và đã chi cho “cậu Thủy” 7,8 tỷ đồng, ông Hùng nói: Việc này phải xác minh làm rõ cơ chế giải ngân theo chương trình nào, từ đó xác định được trách nhiệm xử lý cụ thể đối với tổ chức tín dụng đã giải ngân. Trong Pháp lệnh người có công cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan đến vấn đề này thì không hề có quy định chi phí cho nhà ngoại cảm; không có chương trình nào dùng ngân sách, tổ chức tín dụng chi cho những hoạt động như vậy cả. Do vậy, cũng cần xác minh làm rõ trách nhiệm của địa phương, của từng ngành.

Chiều 29-10, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đã trao đổi với PV Báo SGGP liên quan đến vụ án nhà ngoại cảm lừa đảo thân nhân gia đình liệt sĩ. Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, những hoạt động ngoại cảm lừa đảo trong thời gian qua cần phải xử lý thật nghiêm. Cũng cần phải quy trách nhiệm rõ ràng cho những ai bảo kê, hậu thuẫn cho những vấn đề này. Nếu hài cốt không được giám định chính xác là liệt sĩ thì không đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Toàn bộ quá trình này Nhà nước sẽ bỏ tiền ra để làm. Tôi tin, nếu được tuyên truyền đầy đủ thì các gia đình liệt sĩ sẽ chấp hành quy định thôi.

VĂN THẮNG - PHAN THẢO

>>Khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thanh Thúy

Tin cùng chuyên mục