Không chỉ phong phú về chất liệu, hoa văn… với sự hỗ trợ tích cực của công nghệ hiện đại, áo dài đã có thêm nhiều kiểu dáng mới tươi trẻ, văn minh, hiện đại nhưng vẫn mang nét nữ tính và tha thướt. Song cùng với dòng chảy không ngừng ấy, những người trân quý tà áo dài truyền thống vẫn không khỏi lo lắng bởi đôi lúc sự “cách tân” thái quá khiến trang phục này trở thành thảm họa.
Câu hỏi này đã một lần nữa được đưa ra ở hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong phát triển trong du lịch”, hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival Áo dài Hà Nội 2016, tổ chức ngày 16-10 tại Hà Nội.
Cần có tiêu chí cho áo dài truyền thống. Ảnh: LÃ ANH
Áo dài có một lịch sử phát triển lâu dài
Áo dài truyền thống có lịch sử rất lâu đời, gắn với đời sống của người Việt Nam và là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Với Hà Nội, tà áo dài càng có ý nghĩa khi nơi này được coi là nguồn cội của dân tộc và cũng qua tà áo dài người ta thấy được một hình ảnh đẹp về thủ đô thanh lịch, giàu văn hóa. Khi mặc lên người chiếc áo dài, người phụ nữ cũng phải nhã nhặn hơn trong cách ứng xử với người xung quanh, phải đi đứng nhẹ nhàng hơn, điệu đà hơn và tự tin hơn.
Nói như vậy, tà áo dài ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần người phụ nữ và dĩ nhiên tôn lên vẻ đẹp của chị em. Mỗi tà áo dài là một câu chuyện kể về văn hóa mà bàn tay trí tuệ của các nhà thiết kế chưa thể lột tả hết được, cho dù nó đã chứa đựng rất nhiều tâm huyết của họ.
Theo nhà nghiên cứu - sưu tầm Trần Đình Sơn, áo dài chính thức có từ thời nhà Nguyễn. Theo đó, dù áo dài có từ trước đó nhưng đến triều Minh Mạng (1820-1840), theo lời tâu xin của sĩ dân Bắc Hà, cuối năm 1828, vua Minh Mạng ban lệnh từ sông Gianh trở ra Bắc phải đồng loạt thay đổi y phục theo kiểu của dân chúng từ sông Gianh trở về Nam.
Từ thời điểm này, chiếc áo dài năm thân cổ đứng chít 5 khuy bên phải kèm với cái quần 2 ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước Việt Nam, phổ biến từ trong cung đình ra dân gian. Vào thập niên 30 của thế kỷ XIX (Hà Nội lúc đó là thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc Pháp) 2 họa sĩ tài hoa Cát Tường, Lê Phổ tiếp thu một vài chi tiết của trang phục phụ nữ phương Tây sáng tạo ra nhiều kiểu áo dài cách tân nhằm đáp ứng thị hiếu lãng mạn đương thời.
Sau cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, chế độ chính trị thay đổi từ đó áo dài cũng nổi chìm. Từ năm 1955 đến năm 1975, miền Bắc nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, thống nhất đất nước nên áo dài mất bóng trong sinh hoạt đời thường. Miền Nam, áo dài vẫn phát triển phục vụ nhu cầu sử dụng của nữ giới cho đến sau mùa hè năm 1975 mới bị xem là lạc hậu, lỗi thời, chìm dần vào dĩ vãng.
Khoảng 20 năm trở lại đây áo dài càng ngày càng được phát triển và phát huy được những nét đặc sắc. Các nhà thiết kế, nghệ nhân đã đưa ra nhiều kiểu áo dài mới lạ, sang trọng giúp người phụ nữ Việt Nam trở nên tự tin hơn tại các cuộc thi sắc đẹp trong nước và quốc tế. Các nhà thiết kế thời trang, tạo mẫu, các nghệ nhân nghề đem hết tâm tình, cảm hứng tổ chức trình diễn nhiều bộ sưu tập áo dài với muôn màu, muôn vẻ. Chính những điều kiện thuận lợi này, giai nhân Việt Nam đăng quang với áo dài hết sức thẩm mỹ, sang trọng trên các sàn thời trang ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Những tà áo dài tha thướt tại Festival Áo dài Hà Nội 2016. Ảnh: LÃ ANH
Chia sẻ về sức lan tỏa của chiếc áo dài, NSND Hoàng Cúc nhấn mạnh, với bà, áo dài là một biểu tượng khẳng định chủ quyền Việt Nam và là vẻ đẹp cội nguồn của dân tộc. Bao nhiêu lần được mời tham dự liên hoan phim ở nước ngoài và bà đã tự hào đến rơi nước mắt khi thấy bạn bè quốc tế gọi tên Việt Nam khi vừa nhìn thấy chiếc áo dài bà mặc.
Bà càng tự hào hơn khi vai diễn bà mặc áo dài trong bộ phim Hồi chuông màu da cam đã gây ấn tượng sâu sắc cho hội đồng chuyên môn lẫn khán giả khi đi dự thi liên hoan phim ở nước ngoài. Nhiều người thậm chí còn muốn gặp người phụ nữ mặc áo dài trong bộ phim này bằng da bằng thịt.
Cùng tâm sự này, NSND Trà Giang chia sẻ, năm 1963, khi bà sang Moskva (Nga) dự Liên hoan phim quốc tế cùng đoàn làm phim Chị Tư Hậu, nhiều phóng viên nước ngoài hào hứng chụp ảnh bà đang dạo phố cùng tà áo dài Việt Nam. Khi đó, nhiều người mới biết đến nền điện ảnh Việt Nam, biết đến trang phục truyền thống Việt Nam. Điều đó khiến bà rất tự hào và ấn tượng đó đã theo bà suốt hơn 50 năm qua.
Sẽ có tiêu chí chuẩn cho áo dài?
Ảnh: LÃ ANH
Không chỉ có một lịch sử gắn bó lâu dài với người phụ nữ Việt mà áo dài còn là một biểu tượng của thời trang Việt Nam, khi nhìn vào tà áo dài người ta nghĩ đến văn hóa Việt Nam. Vì thế làm thế nào để áo dài vừa giữ được vẻ truyền thống lại vừa thích ứng với nhu cầu của cuộc sống hiện đại mà không rơi vào “thảm họa áo dài” là câu hỏi được nhiều nhà nghiên cứu và thiết kế thời trang trong nước trăn trở.
Đề xuất giải pháp với hiện trạng này, nhà thiết kế Lan Hương, La Hằng cho rằng, muốn khắc phục được “thảm họa áo dài” trước hết nhà thiết kế phải thực sự xem việc thiết kế áo dài là sáng tạo nghệ thuật. Và tuyệt đối không được thỏa hiệp hoặc dễ dãi với khách hàng. Các nhà thiết kế áo dài lâu năm cũng cho rằng cần phải xây dựng quy chuẩn cho áo dài truyền thống như áo dài là phải đi đồng bộ với quần… Khi đã có cái gốc thì việc sáng tạo, cách tân cho áo dài từ đó cũng sẽ khó xảy ra tình trạng “chệch” đường mà tự biến mình thành thảm họa. Vẫn biết rằng thời trang là ngành đòi hỏi sự sáng tạo, cá tính, nhưng với áo dài, một trang phục được coi là biểu tượng Việt thì nhà thiết kế ngoài sự chuyên tâm, tỉ mỉ cần một trái tim chân thành.
Cũng tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý cũng đưa ra câu chuyện “kết nối” áo dài với phát triển du lịch, xây dựng những sản phẩm áo dài độc đáo, gắn áo dài với các hình ảnh du lịch, tổ chức các sự kiện du lịch để thu hút sự quan tâm của khách du lịch, phải có quy định buộc các hướng dẫn viên mặc áo dài hoặc khuyến khích khách Việt đi bộ nên mặc áo dài ở phố đi bộ của Hà Nội và TPHCM hay tạo không gian riêng cho áo dài… Kỳ vọng rằng, với tình yêu dành cho trang phục truyền thống này, áo dài sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.
MAI AN