Ngắm nhìn vẻ đẹp tinh khiết của cô nữ sinh Đồng Khánh dưới vành nón Huế, trong chiếc áo dài trắng tinh khôi, không ai nghĩ chỉ ít năm sau ngày chụp bức ảnh chân dung ấy, chị chính là nạn nhân của một chế độ lao tù tàn bạo và nghiệt ngã. Cô gái xinh đẹp, tràn đầy sức sống ấy ra tù chỉ còn da bọc xương, đôi chân bước không vững, phải tựa vào đôi nạng gỗ, là nhân chứng sống động tố cáo tội ác chiến tranh. Cuộc đời chị còn là một chuỗi dài của đau thương, mất mát…
Chị là Cao Thị Quế Hương, vợ của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Phương - nguyên Ủy viên Thường vụ Thành đoàn thời chống Mỹ. Người con gái ấy giờ đây đang sống lặng lẽ trong một ngôi nhà nhỏ ở Đà Lạt…
Chị Cao Thị Quế Hương thời thiếu nữ
15 năm trước, cũng ngôi nhà ấy, trên con đường Đào Duy Từ (Đà Lạt), tôi tìm đến chị vào một ngày cuối năm lạnh buốt. Trong căn phòng khách của ngôi nhà nhỏ, chị Cao Thị Quế Hương trong chiếc áo len dày ngồi bên lò sưởi. Chị cột chặt lại chiếc khăn choàng cổ, đôi mắt u buồn nhìn ra ngoài khung cửa sổ. Dưới tầm mắt nhìn của chị là một thung lũng mộng mơ xen lẫn sương mù, những mái nhà lô xô, những sắc hoa… Chị lại cúi xuống bên quyển album đã cũ. Từng bức ảnh được lật qua…
Chị Trần Thị Lan (bìa trái) và chị Cao Thị Quế Hương (thứ ba từ trái) với trang phục áo dài những năm 1960
Chị từng là nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế), Ban Văn chương. Bức ảnh chân dung với màu áo trắng dưới vành nón bài thơ đã nói lên phần nào thời áo trắng xinh tươi của chị. Thi tú tài xong, học dự bị văn khoa, chị không nghĩ mình sẽ bước vào con đường hoạt động chính trị. Nhưng biến cố năm 1963 khiến chính quyền Diệm bị đảo chính đã làm thay đổi mọi ý nghĩ của cô nữ sinh bé nhỏ, trầm lặng với cuộc sống khép kín. Âm thanh vang dội của đoàn biểu tình giới phật tử đi qua cầu Tràng Tiền đã vọng đến tai chị. Chị tham gia hội thảo ở chùa Từ Đàm do sinh viên tổ chức với nội dung chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, chống đàn áp Phật giáo. Bắt đầu từ đó chị đến với những hoạt động sinh viên. Hết mùa hè năm 1963, chị thi vào Đại học Sư phạm Đà Lạt, Ban Triết. Nhưng Khoa Triết dời về Sài Gòn. Thế là chị xuống Sài Gòn học, vừa tham gia hoạt động phong trào sinh viên phật tử.
Chị là nhân chứng những mối tình sinh viên thời nồng nhiệt, sôi động ấy. Chị kể những mối tình của bạn bè làm chị ngưỡng mộ. Đó là mối tình Trần Quang Long và Quỳnh Như. Quỳnh Như bị bắt khi đang có thai. Anh Long vào chiến khu, hy sinh, khi chưa biết mặt đứa con trai. Bùi Thị Mạnh gặp Trần Tấn Trâm rồi yêu nhau. Những mối tình ấy đã nảy nở trong phong trào, đơm hoa kết trái, đối mặt bão dông nghiệt ngã. Khi chứng kiến, ngưỡng mộ những mối tình đẹp của đồng đội, chị Cao Thị Quế Hương không bao giờ nghĩ đến một ngày, mối tình của chị dành cho anh Nguyễn Ngọc Phương làm rơi nước mắt chúng tôi - những người lớn lên sau chiến tranh…
Người yêu chị - anh Nguyễn Ngọc Phương là một sinh viên Văn khoa, hoạt động phong trào học sinh sinh viên. Sát cánh cùng anh Phương, chị tham gia phong trào đòi tự trị đại học, hội thảo, những buổi biểu diễn văn nghệ mang đậm màu sắc dân tộc, phong trào bảo vệ nhân phẩm phụ nữ do Vân Trang, Phương Đài,… phụ trách. Cuộc hội thảo tại Đại học Y khoa với nội dung chống Mỹ, đòi hòa bình, đòi tự trị đại học, đòi được dạy bằng tiếng Việt và cuộc tranh cử giữa ban đại diện Trường Đại học Văn khoa và ban đại diện phe liên trường phục hưng miền Nam chống cộng đã diễn ra quyết liệt. Cuộc hội thảo này đã bị đàn áp. Nhớ về những ngày sôi động ấy, chị Quế Hương thừa nhận: “Những hoa khôi sinh viên như chị Lan, Tuyết Hoa… trở thành những biểu tượng của cái đẹp, thu hút lực lượng phong trào”. Trong các buổi diễn thuyết, biểu diễn văn nghệ, Tuyết Hoa trở thành biểu tượng của nữ vương hòa bình.
Chị Quế Hương không sao quên được những cuộc đàn áp của cảnh sát: “Hơn 100 sinh viên bị bắt trong hội trường đầy khói bụi, lựu đạn cay. Chúng giữ lại hơn 10 người, số còn lại được thả ra”. Chị là nhân chứng của vụ đàn áp ấy. Chị lại về Cần Thơ dạy học. Chị lại dạy hát, giáo dục cho học sinh những tác phẩm yêu nước. Trong vẻ đẹp mong manh, bí ẩn, chị vẫn thầm lặng đóng góp cho phong trào bằng cách của mình. Tháng 5-1968, tổ chức Thành đoàn gọi chị về Sài Gòn, giao nhiệm vụ mới. Chị gặp lại anh Nguyễn Ngọc Phương. Và tình yêu đến với hai người, như định mệnh…
Cùng hoạt động trong phong trào Học sinh - sinh viên, anh Nguyễn Ngọc Phương (Ba Triết) và chị Cao Thị Quế Hương đã có những năm tháng đối mặt với hiểm nguy, những tình huống ngặt nghèo, sống chết trong gang tấc. Những ký ức về anh vẫn còn nguyên vẹn trong chị. Chị như nhìn thấy anh sống dậy trong những ngày sôi động. Anh công bố liên minh Hòa bình - Dân tộc - Dân chủ của sinh viên - học sinh Sài Gòn - Gia Định. Anh phân công chị viết bài cho hoạt động báo chí của sinh viên. Chị có với anh bao kỷ niệm sâu sắc khi cùng hoạt động phong trào.
Nhưng khi tiếng súng và những gót giày đinh lùng sục qua rồi, căn cứ trở về cuộc sống trong lành, mơ mộng. Chị được tắm mát trong lòng dân, được bà con đãi những món đặc sản tuyệt vời. Về căn cứ, cô sinh viên văn khoa mảnh mai xứ Huế, càng hiểu thêm sức chịu đựng gian khổ của bà con nông dân, càng hiểu thêm sức nặng của cuộc chiến tranh mà cả dân tộc phải gánh chịu. Năm 1970, chị bị bắt đưa về đồn cảnh sát quận một khai thác rồi đưa đến nhà tù Thủ Đức. Hình ảnh cô gái bị đọa đày, hành hạ ấy là một nhân chứng sống động tố cáo chế độ dã man nhà tù Mỹ ngụy, gây nên sự xúc động mãnh liệt trong phiên tòa. Chị luôn nhớ đến những trí thức hành nghề còn lương tâm đã bênh vực cho chị như luật sư Vũ Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu đã bào chữa cho chị. Trước sức ép của công luận, chị được tạm tha. Hình ảnh tiều tụy của chị dấy lên làn sóng căm phẫn trong giới sinh viên. Các cuộc hội thảo, biểu tình tiếp sau đó diễn ra liên tục. Chính quyền Thiệu định bắt chị giam giữ trở lại nhưng các sinh viên đã đưa chị vào chùa Ấn Quang để bảo vệ. Sau đó, chị về tịnh xá Ngọc Phương, tham gia hoạt động phật tử. Năm 1973, người yêu chị hy sinh trong nhà tù. Đó cũng là lúc chị bị bắt vào nhà tù lần nữa. Chị bị giam ở Nha cảnh sát Đô Thành hơn nửa năm rồi chuyển qua Thủ Đức. Từ nhà tù Thủ Đức, chị bị đày ra Tân Hiệp…
Trong xa cách, lao tù, chị và anh hiểu rõ nhau hơn, càng thấy không thể sống thiếu nhau trong cuộc đời. Sau khi anh ra tù, anh chị báo cáo với tổ chức và gia đình sẽ đi đến hôn nhân. Nhưng rồi ngày 5-3-1970, anh chị bị bắt trở lại. Hai người cùng đối mặt với những ngón đòn tra tấn dã man của địch. Biết người yêu không qua khỏi, chị quyết định làm đám cưới trong nhà tù. Họ trao nhẫn cho nhau - trao một niềm tin mãnh liệt hai người đã thuộc về nhau.
Nghe chị kể, tôi vô cùng ngưỡng mộ mối tình của chị. Những tà áo dài của những người con gái đẹp xuống đường năm xưa thôi thúc tôi làm bộ phim tài liệu Những mối tình không thể chia ly. Tôi đến Đà Lạt, tìm đến ngôi nhà chị. Vẫn ngôi nhà ấy, khung cảnh ấy và chị Cao Thị Quế Hương vẫn ngồi bên khung cửa sổ năm ấy, bé nhỏ, mong manh. Nhưng những kỷ vật về anh Nguyễn Ngọc Phương thì chị giữ rất kỹ, vẫn còn nguyên vẹn, bất chấp tháng năm nghiệt ngã. Những lá thư của anh gửi chị vẫn còn nguyên vẹn, được chị sắp xếp theo ngày tháng, được chị nâng niu lưu giữ trong chính trái tim, bởi chị thuộc lòng từng dòng, từng chữ trong những lá thư. Với chị Cao Thị Quế Hương, thời gian dường như đã vĩnh viễn ngừng lại vào ngày 5-1-1973 - ngày anh Phương hy sinh. Chị nói tình yêu của anh lớn đến nỗi chị hạnh phúc khi sống cùng anh trong tâm tưởng, với những kỷ niệm một thời hoa lửa sôi động và đẹp đẽ.
Trầm Hương