Theo Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng, trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm 80 - 90 triệu m² sàn công trình mới. Trong đó, khu vực công trình thương mại, khách sạn, văn phòng có mức độ tăng nhanh cả về số lượng và quy mô. Nếu như năm 2003, lĩnh vực công trình dân dụng chỉ chiếm khoảng 22,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng của quốc gia, thì đến nay con số này đã tới gần 40%. Chính vì thế, việc áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09) nhằm hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả trong công trình xây dựng và phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam.
Theo Bộ Xây dựng, qua khảo sát các công trình thực tế cho thấy, việc tuân thủ quy chuẩn xây dựng mang lại lợi ích rất lớn cho chủ đầu tư. Mặc dù chi phí đầu tư tăng lên 4% đối với bệnh viện và 1% đối với nhà chung cư, nhưng chi phí vận hành giảm từ 27% - 36% đối với bệnh viện, 20% - 27% đối với nhà chung cư. Khả năng thu hồi vốn trong khoảng 2 - 5 năm.
Các công trình xây dựng bằng vật liệu xanh giúp tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà. Ảnh: Huy Anh
Tại buổi tập huấn về quy chuẩn này tại TPHCM mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, QCVN 09:2017/BXD vừa có hiệu lực từ ngày 1-6 có nội dung ngắn gọn và dễ vận dụng hơn so với phiên bản trước. Các nội dung của QCVN 09:2017/BXD đi vào thực chất vấn đề hơn. Phạm vi điều chỉnh không thay đổi, chủ yếu là các công trình thuộc nhóm văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại và chung cư. Các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh gồm lớp phủ bao che (tường không xuyên sáng, xuyên sáng); thông gió tự nhiên, nhân tạo, điều hòa không khí; chiếu sáng (tự nhiên, nhân tạo); thiết bị sử dụng điện khác (thang máy, động cơ điện, nước nóng…). Tuy nhiên, các công trình phải có diện tích sàn lớn hơn hoặc bằng 2.500m2. Lớp vỏ bao che của công trình rất quan trọng, phải kiểm soát lớp vỏ này vì ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiêu hao năng lượng sử dụng trong công trình.
Theo Bộ Xây dựng, QCVN 09 đã có 13 năm triển khai, áp dụng, qua mỗi phiên bản đều có sự điều chỉnh phù hợp. Phiên bản đầu tiên là QCVN 09:2005/BXD, tiếp đó là QCVN 09:2013/BXD và đến nay là QCVN 09:2017/BXD. Đây cũng là quy chuẩn nhận được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế. Trong giai đoạn 2014-2017, Bộ Xây dựng cùng với IFC ký thỏa thuận hợp tác với 3 sở xây dựng ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng triển khai QCVN 09:2013/BXD. Tháng 3-2018, Bộ Xây dựng tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác với IFC cho giai đoạn từ tháng 3-2018 đến tháng 12-2019, triển khai QCVN 09:2017/BXD. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã làm việc với 3 sở xây dựng của các tỉnh Quảng Ninh, Bình Định và Kiên Giang, để tiến tới đi đến thỏa thuận triển khai QCVN 09:2017/BXD tại các địa phương này trong thời gian tới. Đây cũng là các địa phương đã ban hành kế hoạch riêng về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, việc triển khai QCVN 09 có vai trò rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng của Trung ương và địa phương, đặc biệt là vai trò của các sở xây dựng địa phương. Thông qua các hoạt động tập huấn, đào tạo, phổ biến, tăng cường năng lực cho các đối tượng có liên quan, vai trò của các sở xây dựng ngày càng được đẩy mạnh và sẽ là cơ quan dẫn dắt, chủ trì việc thực hiện QCVN 09, từ công tác thẩm tra, thẩm định, cấp phép xây dựng, kiểm tra nghiệm thu cũng như giám sát quá trình hoạt động của công trình.
Đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, mới đây UBND TPHCM đã ban hành quyết định về việc phê duyệt danh sách các nội dung thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2018-2020. Theo đó, từ nay đến năm 2020, 100% công trình xây dựng mới hoặc cải tạo phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09: 2013/BXD và QCVN 09: 2017/BXD. Trong đó, UBND TPHCM nêu rõ, trong năm 2018, Sở Xây dựng TP phải tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy chuẩn này trong tất cả các khâu như cấp phép xây dựng, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế và kiểm tra nghiệm thu công trình.