Mặc dù Chính phủ luôn khẳng định nợ công vẫn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng áp lực nợ công lại tiếp tục là vấn đề nóng được thảo luận tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức mới đây. Thậm chí, có chuyên gia đề nghị trong kỳ họp sắp tới, Quốc hội cần dành riêng một phiên thảo luận sâu về nợ công.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tính đến 31-12-2013, nợ công của Việt Nam ở mức 53,5% GDP, nợ Chính phủ tương đương 41,7% GDP, nợ nước ngoài tương đương 37,2% GDP. Dự kiến vấn đề này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (khai mạc vào cuối tháng 5-2014). Trong khi đó, theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, đến cuối năm 2013 dư nợ công ước khoảng 56,2% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 42,6% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 39,5% GDP. So sánh các con số trên có thể thấy rằng nợ công của Việt Nam đã giảm nhẹ. Và so với khuyến cáo về giới hạn an toàn nợ công mà WB, IMF đưa ra (nợ công tối đa là 65% GDP, nợ nước ngoài tối đa là 50% GDP) thì quả thật nợ công của Việt Nam vẫn chưa rơi vào vùng nguy hiểm.
Thế nhưng, nguy cơ đối với nợ công của Việt Nam không nằm ở con số. Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã “đặc biệt lưu ý” về nguy cơ nợ công. Ông khuyến cáo: “Nói nợ công hiện nay ở mức hơn 50% GDP, thấp hơn ngưỡng 65% theo quy định là ảo tưởng về tính an toàn”. Hiện nay Việt Nam đang phải vay rất nhiều để trả nợ. Nguy cơ cũng nằm ở cơ cấu nợ: tỷ lệ nợ ngắn hạn quá lớn làm tăng áp lực trả nợ. Trong khi đó, thu ngân sách tăng chậm cùng với sự tăng lên nhanh chóng của chi thường xuyên phản ánh bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục mở rộng và khả năng cắt giảm chi là rất khó khăn. Vì chi thường xuyên và chi trả nợ đã chiếm gần hết thu ngân sách, do đó để có tiền chi đầu tư phát triển đòi hỏi Chính phủ phải gia tăng vay nợ. Càng gia tăng vay nợ của Chính phủ càng làm giảm nguồn lực mà khu vực tư nhân được tiếp cận, cùng với đó gánh nặng nợ cũng ngày càng phình lớn. Theo kế hoạch năm 2014, Việt Nam sẽ phải trả nợ vay 120.000 tỷ đồng nhưng thực tế lại còn huy động 70.000 tỷ đồng để đảo nợ. Như vậy con số để chi trả lên đến 190.000 tỷ đồng, chiếm hơn 24% tổng thu ngân sách và nếu theo đà này đến năm 2015 có thể lên đến 30%. Trong khi đó, thế giới đã tổng kết nếu thu ngân sách để trả nợ chiếm 25% thì báo động “đèn vàng”, còn vượt 30% là “đèn đỏ”, tức là ngưỡng rất nguy hiểm.
Trong báo cáo mới đây gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ KH-ĐT cũng bày tỏ sự lo lắng: “Nợ công tuy vẫn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn”. Nhìn vào kế hoạch điều hành tài chính trong năm 2014 và những năm tiếp theo có thể thấy sự lo lắng này là có cơ sở. Đó là khối lượng huy động vốn trái phiếu chính phủ rất lớn, bình quân khoảng trên 400.000 tỷ đồng/năm trong 3 năm tới, bằng khoảng 8% - 9% GDP, bao gồm huy động để bù đắp bội chi, đảo nợ và để đầu tư. Trong khi việc huy động trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn chiếm tới 80%, vay dài hạn chỉ chiếm 20%, dẫn đến tần suất, mức trả nợ sẽ rất cao. Mặt khác, việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính như ngân hàng thương mại chiếm 86%, các định chế tài chính khác chiếm 12%, có thể sẽ dẫn đến việc dòng tiền của hệ thống ngân hàng chỉ tập trung vào trái phiếu mà thu hẹp đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Như vậy, áp lực trả nợ công không chỉ gây nguy hiểm tới an ninh tài chính quốc gia, mà còn tác động gián tiếp tới quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng đã đến lúc cần nhìn nhận một cách khách quan, chính xác về những nguy cơ và áp lực của nợ công. Và một phiên thảo luận chuyên đề về nợ công tại kỳ họp Quốc hội tới đây là thực sự cần thiết để nhìn rõ thực tế, từ đó đề ra các giải pháp điều chỉnh và quản lý nợ an toàn và hiệu quả. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ chế, chính sách quản lý nợ công cần tiếp tục đổi mới theo thông lệ quốc tế, đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng quản lý phân tán ở các bộ, ngành khác nhau. Bên cạnh đó, Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ việc cấp bảo lãnh. Việc sử dụng nguồn vốn cho vay cần có sự chọn lọc, tập trung cho các công trình, dự án ưu tiên cao, hiệu quả lớn. Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm trong thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, đảm bảo sử dụng vốn vay một cách hiệu quả nhất.
BẢO MINH