ASEAN hấp dẫn FDI

PHƯƠNG NAM

Trong năm 2014, ASEAN tiếp tục trở thành khu vực thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư vào khu vực này không đều do sự thay đổi về chính trị và chi phí kinh doanh khác nhau. Theo báo cáo của Thomson Reuters, FDI chảy vào các quốc gia Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2014 đạt con số kỷ lục là 128 tỷ USD, vượt qua con số 119,56 tỷ USD được đổ vào Trung Quốc, đưa khu vực này năm thứ 2 liên tiếp ở vị trí thu hút nhiều vốn FDI hơn quốc gia có đông dân số nhất thế giới.

Philippines là quốc gia thu hút dòng vốn FDI mạnh nhất, với mức  tăng lên tới 66%. Indonesia trên 10%. Còn Thái Lan do biến động chính trị vào năm ngoái nên mức FDI có hướng giảm. Thomson Reuters nhận định, Philippines hiện là nền kinh tế có mức tăng trưởng đứng thứ 2 ở khu vực châu Á do có chính sách đầu tư hấp dẫn. Nguồn vốn FDI chủ yếu đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh, tập trung vào các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, sản xuất, bất động sản, khai thác mỏ và đá, các hoạt động thương mại bán buôn và bán lẻ.

Nhưng đang xuất hiện nhiều lo ngại cho rằng nguồn vốn FDI đầu tư vào Philippines nhiều khả năng sẽ có những chuyển biến sau cuộc tổng tuyển cử tại nước này vào năm 2016. Trong cuộc chạy đua giành vốn FDI, Indonesia cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn nếu Jakarta tiếp tục cải thiện và tăng cường cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần, giảm chi phí để sản phẩm sản xuất ra đạt được lợi thế cạnh tranh tốt nhất.

Liên minh châu Âu (EU) hiện là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Indonesia. Trong năm 2014, số lượng các công ty EU đầu tư vào Indonesia đạt 3,2 tỷ USD, tăng vọt so với 2,4 tỷ USD của năm trước. Indonesia đang ở trong tầm ngắm của rất nhiều nhà đầu tư toàn cầu, với gần 50% dân số ở khu vực thành thị và 62% dân số trẻ hơn độ tuổi 35. Tuy Philippines đang dẫn đầu về dòng vốn FDI nhưng theo khảo sát triển vọng kinh doanh ASEAN, hiện nay Indonesia vẫn được coi là nơi hấp dẫn nhất cho việc mở rộng kinh doanh, tiếp theo là Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.

Từ năm 1993, Trung Quốc là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn nhất trong số các nước đang phát triển. Tuy nhiên, con số này có dấu hiệu sụt giảm kể từ năm 2013. Theo Thomson Reuters, dân số của Trung Quốc tuy dồi dào nhưng ngày một già hóa, giá thuê nhân công tăng cao nên đang đánh mất dần tính hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy các công ty đa quốc gia dịch chuyển cơ sở sản xuất sang các quốc gia ASEAN, nơi có lực lượng lao động lớn, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và chi phí thấp. Dự báo trong giai đoạn 2016 - 2020, Trung Quốc sẽ khó có khả năng cạnh tranh với ASEAN trong cuộc chạy đua thu hút vốn FDI.

Xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI cũng cho thấy quốc gia ASEAN hiện nay đã mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài thông thoáng hơn, các chính sách thu hút đầu tư đã dần phù hợp với thông lệ quốc tế. Các nhà đầu tư trên thế giới đang tận dụng tối đa cơ hội phát triển tại khu vực này, nhất là khi Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) hình thành từ năm 2015. Đây cũng chính là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho các nước ASEAN nếu thực hiện chính sách phù hợp để tận dụng lợi ích từ sự dịch chuyển.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục