Ầu ơ… tuổi thơ

Bài hát bắt đầu bằng đoạn nhạc rap, nhạc trẻ bây giờ thường chuộng phong cách như vậy, nhưng bất chợt câu vọng cổ Ai đó từ nơi xa nhớ về quê thăm bến đò năm xưa… Nơi có mẹ đang trông ngóng ngày mong đêm - Bây sắp về chưa? (bài hát Về nghe mẹ ru), khiến tôi ngập ngừng, muốn nghe lại thật chậm từng ca từ, giai điệu. Có lẽ đâu đó trên con đường trưởng thành, lắm lúc người ta lại muốn về nhà nghe tiếng mẹ “ầu ơ”.
Cơm nhà ấm áp có bàn tay của bà, của má. ẢNH: LÊ HỮU TƯỜNG
Cơm nhà ấm áp có bàn tay của bà, của má. ẢNH: LÊ HỮU TƯỜNG

1. Những ngày đầu vào đại học, lứa 9X như chúng tôi không quá khó khăn như thế hệ trước, nhưng từ sâu trong lòng của những đứa trẻ xa nhà đi học, đứa nào cũng nhớ quê nhớ nhà. Dù thế hệ chúng tôi khá nhạy bén với nhịp sống thị thành nhộn nhịp, có đứa khoái thành phố sôi động, nhưng hễ trường thông báo lịch nghỉ là tranh thủ quẩy ba lô về nhà. Có lần, thầy cho phép nộp tiểu luận qua mail trước, cả lớp chỉ còn mình tôi ở lại thành phố (vì nhà tôi ở đây), còn đám bạn về quê và nộp bài từ xa.

Suốt 4 năm học tập, ra trường và đi làm, đến bây giờ cũng gần 8 năm có hơn, nhưng cô bạn thân cứ nghỉ là tranh thủ về quê, dù một vài ngày cũng chỉ thích về nhà với mẹ. Khoảng cách từ TPHCM với Bến Tre có thể tự đi xe máy hay xe khách đều được, nên bạn tôi rảnh là về nhà. Nhiều lần về quê cùng cô bạn, tôi mới hiểu về nhà chỉ đơn giản ăn nồi canh khổ qua mẹ hầm, uống ly nước dừa cha mới chặt ngoài vườn… vậy là đủ, sáng mai lên thành phố lại tiếp tục vòng quay công việc.

Bữa cơm cây nhà lá vườn dung dị và mấy lời hỏi thăm cũng chỉ có bấy nhiêu mà lần nào về cũng nghe: “Nay về rồi chừng nào bây về nữa?”, “Trên đó, đi làm cực lắm không con?”, “Lễ tới, công ty có cho nghỉ không con?”… “Mấy câu hỏi lần nào về nhà cũng nghe mẹ hỏi, nhưng hễ xa một ngày là thấy nhớ, nhiều khi nói chuyện với ba mẹ chỉ vu vơ như đứa con nít vậy thôi. Tụi mình lớn lên, còn người già thì có xu hướng như con nít trở lại, cha mẹ cứ thích nói chuyện với đám nhỏ trong nhà”, cô bạn tôi tâm sự.

Những ngày ở giảng đường đại học, thầy quản lý sinh viên cũng thường nhắc chúng tôi: “Tuần tới, lịch nghỉ nhiều, về nhà thăm má, thăm ba đi mấy đứa”. Chúng tôi về nhưng thầy vẫn ở lại, vì lớp tôi được nghỉ thì còn lớp khác học và chiều nào thầy cũng gọi về nhà, nói chuyện rặt giọng miền Trung “răng, rứa, mô, tê…”. Thầy hay nói với chúng tôi: “Người già thường như con nít, ngày nào thầy cũng gọi về nhà vậy đó, hỏi coi ông bà ăn cơm chưa, đang làm gì… vậy mà ông bà vui lắm. Bữa nào, gọi trễ chừng nửa tiếng là ông bà trông liền hà”. Năm đó thầy kể, chúng tôi cũng không hiểu hết, nhưng đến bây giờ thì đám nhí nhố ngày ấy bắt đầu nghĩ về nhà, về ba má, ông bà nội ngoại nhiều hơn…

2. Có lẽ áp lực cuộc sống và những bận rộn công việc, học hành khiến không ít bạn trẻ ngại trò chuyện với ông bà, cha mẹ… Và dần dần khoảng cách tình cảm cứ vậy mà xa hơn, dù sống chung trong một mái nhà. 

Đứa em cách tôi hai khóa học ngoại ngữ từng kể: “Sao chị thích ở nhà vậy, em chỉ thích ra ngoài. Ở nhà, em nói chuyện nhưng bà nội rồi ba mẹ em không hiểu, nhiều khi hỏi đi hỏi lại mà em không biết phải giải thích như thế nào để mọi người rõ… Thành ra ít khi em tâm sự chuyện cá nhân lắm”. Tôi không làm trong lĩnh vực tâm lý, cũng chưa làm cuộc khảo sát xã hội học nào, nhưng tôi tin, trường hợp như đứa em ở lớp ngoại ngữ của tôi trong xã hội bây giờ không phải hiếm. Và chính vì những cuộc trò chuyện trong gia đình ít hơn và ngắn lại, khoảng cách giữa các thành viên càng kéo dài thêm, đôi lúc những áp lực tâm lý không được những người thân cận kịp thời nhìn nhận và xoa dịu cho nhau. Những câu chuyện đau lòng đã từng xảy ra, một phần nguyên nhân cũng đến từ đó.

Khi tôi học cấp 3, nhà tôi ở ngoại thành, nhịp sống nông thôn khá chậm so với sức sống ở trung tâm thành phố. Không có quá nhiều phương tiện giải trí và thời gian rảnh rỗi của tôi chỉ ngồi nghe bà nội kể chuyện, bà không hiểu được hàm số, đồ thị, hay hằng đẳng thức đau đầu mà một đứa học chuyên toán như tôi mỗi ngày đều phải lên lớp với nó. Nhưng ngày nào bà cũng hỏi tôi: hôm nay đi học thế nào, cô giáo dạy bài gì… Bà cháu tôi có thể vu vơ với nhau cả ngày, và hôm nào tôi ít nói hơn, thì tự khắc bà và cả nhà cùng ngồi lại tâm sự. Tôi buồn cả ngày chỉ vì không giải được một bài toán khó, cả năm thành viên trong nhà lo lắng từng chút, an ủi từng lời… May mắn đó, tôi biết không phải ai cũng có được trong đời. Nhưng chính sự kết nối từ những cuộc trò chuyện với các thế hệ trong nhà, mà tôi hay đám bạn quanh tôi ngày ấy chưa có đứa nào rơi vào trầm cảm, hay chỉ muốn ra ngoài để “tâm sự với người lạ”.

Khoảng cách thế hệ dẫn đến những khác biệt trong suy nghĩ và tư duy, những cuộc trò chuyện với các thành viên trong gia đình không phải lúc nào cũng có thể thấu hiểu hết những nỗi niềm của nhau. Câu chuyện hôm ấy có thể không giải quyết được những khó khăn mà bạn đang gặp trong công việc, chỉ đơn thuần nhắc lại lúc nhỏ, bạn hay nhõng nhẽo thế nào, hoặc chỉ là nghe mẹ kể lại lúc nhỏ đã hát ầu ơ ra sao để bạn ngủ… Ngồi lại và trò chuyện cùng những người thân là cách để mỗi người chúng ta có thêm một điểm tựa yêu thương để bước tiếp những hành trình trong đời.

Tin cùng chuyên mục