Ba nhóm vấn đề để Quốc hội xem xét quyết định trưng cầu ý dân

Đề nghị không tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương 
Ba nhóm vấn đề để Quốc hội xem xét quyết định trưng cầu ý dân

* Đề nghị không tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương 

Chiều 11-8, tiếp tục thảo luận về dự án Luật Trưng cầu ý dân, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước vẫn băn khoăn về việc không trưng cầu ý dân ở địa phương. Ông nói: “Có một số loại việc, chẳng hạn như việc một số địa phương tranh chấp về địa giới hành chính rất khó giải quyết, thậm chí có nơi qua 3 nhiệm kỳ QH vẫn chưa giải quyết được. Nếu không quy định tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương thì rất khó giải quyết”.

Chia sẻ một phần quan điểm của ông Ksor Phước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Trưng cầu ý dân thì thực hiện trên phạm vi toàn quốc; nhưng nên chăng đưa vào luật này một số điều khoản về lấy ý kiến nhân dân? Lâu nay chúng ta vẫn lấy ý kiến nhân dân nhưng chưa có luật thống nhất”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân đã được quy định phân tán trong một số luật, như Luật Ban hàn văn bản quy phạm pháp luật; Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Năng lượng nguyên tử…

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa nhận định, để đảm bảo Luật được thực hiện trong thực tiễn, vấn đề quan trọng nhất là xác định những nội dung nào được đưa ra trưng cầu ý dân. Ông nói: “Cụ thể hết vào Luật thì đúng là khó, nhưng viết chung chung như dự thảo, nghĩa là không khác gì trong Luật Tổ chức Quốc hội đã nêu, thì rất khó thực hiện”.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, có 3 nhóm vấn đề để Quốc hội xem xét quyết định trưng cầu ý dân. Đó là các vấn đề thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh, đối ngoại có quan hệ đến sự tồn vong, phát triển của đất nước; những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ nhân dân và những vấn đề kinh tế - xã hội có ảnh hưởng sâu rộng đến quốc kế dân sinh. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Theo Hiến pháp thì Quốc hội có thể quyết định mọi loại vấn đề, nhưng đây là những vấn đề mà Quốc hội thấy cần phải thận trọng, không dám tự mình quyết định, nên mới xin ý kiến nhân dân”.  

Về kết quả trưng cầu ý dân, “quá bán kép” là phương án được nhiều ý kiến đề nghị và cũng được Thường trực cơ quan thẩm tra đồng thuận. Theo đó, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong UBTVQH cho rằng những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân là loại vấn đề hết sức quan trọng. Trong trường hợp chỉ quá bán kép sát sao thì có nghĩa là chỉ có một tỷ lệ không cao người dân thể hiện quan điểm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị khi có 2/3 số cử tri trở lên đi bỏ phiếu thì cuộc trưng cầu ý dân được coi là có giá trị. Sau đó, phương án được hơn một nửa số cử tri bỏ phiếu tán thành là phương án cuối cùng.

Về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân, dự thảo Luật đã chỉnh lý để làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tôn trọng và thực hiện kết quả trưng cầu ý dân. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày UBTVQH công bố.

Mặc dù vậy, trên tinh thần thận trọng, nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị sau khi có kết quả trưng cầu ý dân, Quốc hội ra nghị quyết công nhận kết quả bỏ phiếu, triển khai thực hiện.

---------------------------------------

Đề nghị không tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương 

(SGGPO).- Một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến Luật Trưng cầu ý dân đã được cơ quan thẩm tra dự án luật này - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vào cuối phiên họp sáng nay 11-8. 

Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật  cho rằng, Luật này cần quy định cả về nội dung, nguyên tắc, trách nhiệm của các cơ quan và trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân để vừa đề cao vai trò, ý nghĩa quan trọng của vấn đề trưng cầu ý dân, vừa bảo đảm để Luật có thể thi hành được ngay mà không phải chờ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Chưa thích hợp để trưng cầu bằng bỏ phiếu điện tử

Liên quan đến đề nghị ngoài hình thức biểu quyết bằng phiếu trưng cầu ý dân, cần bổ sung hình thức khác như xin chữ ký hoặc bỏ phiếu điện tử, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, trong điều kiện nước ta có khoảng 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa thì việc dự thảo Luật quy định cử tri biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tương tự như đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.

Hình thức trưng cầu ý dân bằng xin chữ ký hoặc bỏ phiếu điện tử chỉ phù hợp với một số đối tượng, địa bàn nhất định, như ở những đô thị có mật độ dân cư và trình độ dân trí cao…; tuy vậy, nếu thực hiện cũng sẽ gặp nhiều khó khăn cả về phương tiện, điều kiện kỹ thuật và cũng khó kiểm soát, xác định chữ ký hoặc thư điện tử đó đúng là của cử tri. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy, việc cử tri trực tiếp đi bỏ phiếu có ý nghĩa rất lớn, tạo không khí sinh hoạt chính trị dân chủ rộng rãi, là ngày hội của toàn dân; đây cũng là cách đã được triển khai có nề nếp và hiệu quả ở nước ta qua các cuộc bầu cử.

Không tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương 

Về phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Hiến pháp 2013 đã quy định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là của Quốc hội; chính quyền địa phương không có thẩm quyền này.

Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định. Nếu chỉ thực hiện việc trưng cầu ý dân trong phạm vi một địa phương cụ thể thì có thể dẫn đến kết quả mang tính cục bộ, phiến diện, không phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân cả nước. Đối với những vấn đề chỉ ảnh hưởng đến phạm vi một hoặc một số địa phương thì không thực hiện trưng cầu ý dân mà áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành, như việc lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định về điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định dự án kinh tế - kỹ thuật có tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của bộ phận người dân... Vì vậy, đề nghị UBTVQH cho giữ quy định trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước, không bổ sung quy định trưng cầu ý dân ở địa phương.

Đáng lưu ý, về cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chỉnh lý quy định về việc chuẩn bị tờ trình đề nghị trưng cầu ý dân của UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ; đối với đại biểu Quốc hội. Theo đó, khi có từ 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân thì UBTVQH có trách nhiệm tổng hợp các kiến nghị này, chuẩn bị tờ trình và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc trưng cầu ý dân để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Quá bán kép, kết quả trưng cầu ý dân được công bố để thi hành

Đây là phương án được nhiều ý kiến đề nghị và cũng được Thường trực cơ quan thẩm tra đồng thuận. Theo đó, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.

Về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý để làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tôn trọng và thực hiện kết quả trưng cầu ý dân. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày UBTVQH công bố. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh kết quả của việc trưng cầu ý dân.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục