Các bạn đồng hương phương Nam thân mến!
Từ buổi hội ngộ đầu xuân Tân Mão, đến nay thấm thoát đã nửa năm. Những trưa nắng hè chói chang đã về trên quê mình, báo hiệu mùa vải chín. Những ngày này cả vùng đất 4 huyện miền núi và các huyện trung du tỉnh nhà một không khí tưng bừng, nô nức đón mùa thu hoạch vải.
Năm nay thời tiết thuận lợi, vải thiều đậu quả báo hiệu vải được mùa. Hơn 30.000 ha vải cho thu hoạch, tính sơ tỉnh cũng có trên dưới 200.000 tấn quả vải thiều tươi. Đặc biệt năm nay có gần 15% diện tích là vải sớm được mùa, được cả giá. Mang tiếng người vùng vải, nhưng ra chợ hỏi giá 20.000 - 25.000 đồng/kg vải tươi, muốn mua vài chục cân cũng khó, vì thương lái đánh ô tô tải vào tận vườn vét hết, chỉ vài nhà có ít cây lẻ hái đem ra chợ bán thôi.
Chúng ta đều biết cây vải từ Thanh Hà đi lên đất Lục Ngạn đã hơn 50 năm nay. Lúc đầu chỉ có vài hộ ở Chũ, Trù Hựu trồng vài cây ăn chơi. Đến những năm 1990, thấy cây vải hợp đất Lục Ngạn, huyện mới phát động phong trào “nhà nhà trồng vải thiều”. Đất trống đồi núi trọc ở Lục Ngạn được phủ xanh bằng vải thiều. Với chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước ban hành đúng lúc, nhiều hộ không làm nông cũng xin nhận hàng chục hécta đồi trọc để trồng vải. Vải thiều từ các xã ven sông Chũ lan xuống Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên.
Những năm đầu, cây vải thiều cho người dân nguồn thu nhập đáng kể. Nhiều hộ nông dân ở Lục Ngạn đã thoát nghèo nhờ cây vải. Những năm vải được giá cứ năm, mười xe ô tô vải chở đi sẽ có năm, mười ô tô chở đồ điện, vật liệu xây dựng… về để phục vụ cho bà con vùng vải.
Cơ chế thị trường quả là khắc nghiệt, diện tích vải thiều càng lớn, sản lượng tăng vọt, tình trạng “được mùa rớt giá” diễn ra liên tục. Những năm đó không ít gia đình chặt vải để trồng cây lâm nghiệp. Vải Lục Ngạn mất giá, mất lòng tin của người tiêu dùng vì chất lượng ngày càng kém. Trước tình hình đó, tỉnh, huyện họp bàn khẳng định dù thị trường có khó khăn, rớt giá, cây vải thiều vẫn là cây “xóa đói giảm nghèo” của bà con các dân tộc huyện miền núi, trung du của tỉnh.
Trước mắt tỉnh quy hoạch lại vùng vải thiều, nhờ Bộ Khoa học - Công nghệ điều tra thổ nhưỡng, lập bản đồ địa lý vùng vải Lục Ngạn. Đồng thời mời cán bộ Trường Đại học Nông nghiệp 1 về thí điểm chương trình sản xuất vải thiều sạch theo tiêu chuẩn Việt GAP. Qua mô hình thí điểm từ khâu chọn giống, chăm sóc, bảo vệ phòng trừ sâu bệnh đến khâu thu hoạch, nông dân đều được hướng dẫn thực hành nghiêm túc. Kết quả cho thấy năng suất vải tăng, quả to đều vỏ mỏng, chất lượng thơm, ngon, giá bán gấp 2 lần vải không áp dụng tiêu chuẩn Việt GAP. Năm 2010, toàn vùng mới có 2.000ha áp dụng tiêu chuẩn Việt GAP. Năm nay chương trình mở rộng tới 20 xã với 5.000ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn Việt GAP.
Vải sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được cơ quan khoa học kiểm nghiệm cấp chứng chỉ, được thương lái trong và ngoài nước đến hợp đồng thu mua tại vườn. Hôm tôi đến các xã khu vực Hồng Giang, mới đầu vụ đã có vài chục thương lái Trung Quốc đến đặt mỏ cân tại vườn để thu mua xuất sang Trung Quốc.
Qua thực tiễn sản xuất, bà con quê mình ngày càng hiểu ra chân lý: sản phẩm làm ra phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, của người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi chất lượng, an toàn cao. Tập quán sản xuất quảng canh, tùy tiện sẽ không có chỗ đứng trên thị trường.
Năm nay, từ rất sớm Sở Công thương của tỉnh đã tổ chức cho các doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước. Thị trường xuất vải tươi sang Trung Quốc đã được khai thông. Hải quan các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn đã có kế hoạch tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc nhanh, gọn.
Các thị trường trong nước, đặc biệt là các thành phố lớn ở cả ba miền đều có các đoàn công tác của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với các doanh nghiệp, thương lái đi quảng bá, chào hàng, đặt điểm giao dịch.
Với sự vào cuộc đồng bộ của 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông), vụ thu hoạch vải năm nay bà con vùng vải quê nhà hết sức phấn khởi tin tưởng, bớt nỗi lo “được mùa, rớt giá”.
Câu chuyện cây vải quê mình nói mãi không hết. Mong đón các anh chị vào mùa thu hoạch vải năm nay. Chúc bà con quê mình sinh sống ở phương Nam luôn dồi dào sức khỏe, thành đạt, hạnh phúc!
Hoàng Tiến