Bắc miền Trung bất an vì thời tiết bất thường

Thời điểm gieo cấy lúa đông xuân 2012 - 2013 bắt đầu nhưng đồng ruộng ở khu vực Bắc miền Trung đã khô rang khi mùa mưa lũ vừa kết thúc. Thời tiết bất thường khiến chính quyền và nông dân lo lắng.

Thời điểm gieo cấy lúa đông xuân 2012 - 2013 bắt đầu nhưng đồng ruộng ở khu vực Bắc miền Trung đã khô rang khi mùa mưa lũ vừa kết thúc. Thời tiết bất thường khiến chính quyền và nông dân lo lắng.

  • Bộn bề lo toan

Quảng Điền được xem như vựa lúa lớn nhất tại Thừa Thiên - Huế do có thế mạnh về đất đai canh tác rộng và độ phì nhiêu từ phù sa trong lũ rất cao. Thường sau vụ hè thu, mùa mưa bắt đầu cộng lũ đầu nguồn đổ về làm ruộng đồng ngập lênh láng kéo dài liên tục 3 tháng. Thế nhưng năm nay đã qua 23-10 âm lịch - thời điểm kết thúc mùa mưa lũ theo quan niệm dân gian với câu ca “Ông tha mà bà chẳng tha/Sinh ra cái lụt hăm ba tháng mười” nhưng trời không có nổi một trận mưa.

Lão nông Nguyễn Văn Thanh, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền phân tích, theo khung lịch thời vụ đây là cao điểm làm đất, gieo sạ giống dài ngày cho vụ lúa đông xuân 2012 - 2013 nhưng đồng ruộng khô hạn sợ xuống giống lúa non chết khô. Thiếu mưa, ruộng không được thau chua rửa mặn, cỏ chim, sâu bệnh có chiều hướng phát triển. Điều đáng lưu tâm là đồng ruộng phải đối mặt với nạn chuột cắn phá vì mọi năm ngập nước chuột không thể sinh sống được… Năm nay ruộng khô ráo, chuột vô tư đào hang ở và đẻ.

Về nông thôn Bắc miền Trung những ngày này, đến đâu cũng nghe bà con nông dân than thiếu nước làm ải, tất bật tìm cách đối phó thời tiết bất thường. Tại các cánh đồng dọc theo sông Hiếu, Thạch Hãn, Bến Hải của tỉnh Quảng Trị, cùng với việc triển khai phương án giữ ngọt tạo nguồn nước, tận dụng lượng nước hồi quy ở các trục tiêu, nguồn nước tự nhiên ở ao hồ, sông suối để bơm tát phục vụ tưới vụ đông xuân, bà con nông dân ở đây đang nỗ lực tìm cách diệt cỏ để xuống giống lúa.

Chị Hà Thị Thanh ở xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong than thở: “Tui mới phun 2 bình thuốc diệt cỏ hồi đầu tháng 12. Tưởng cỏ chết, ai ngờ giờ nó còn phát triển mạnh hơn”. Vừa nói chị vừa vác cuốc đi thơ thẩn quanh đám ruộng để nhìn, mà chẳng buồn phát dọn bờ vì… nản.

  • Thay đổi cơ cấu giống lúa

Được xem là vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ khi bình quân mỗi năm có ít nhất 3-4 trận lũ lớn nhỏ. Thế nhưng suốt hơn 2 tháng qua, từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế trời vẫn nắng như đổ lửa khiến ruộng đồng nứt nẻ, ao đập, hồ chứa nước khô cạn… Chưa bao giờ người dân Bắc miền Trung lại mong mưa như lúc này.

Ông Trần Kim Thành, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế, cho biết lượng mưa hàng năm của Thừa Thiên - Huế trên 2.700mm nhưng năm nay tổng lượng mưa chỉ trên 1.600mm. Các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn chỉ đạt 60% dung tích thiết kế và chưa qua tràn.

Nguy cơ hạn hán trong vụ đông xuân và cả năm 2013 sắp tới rất lớn. Khoảng 27.000ha lúa đông xuân của địa phương nhiều khả năng thiếu nước vào cuối vụ. Kế hoạch phân phối nước tưới cho từng công trình hồ chứa, chỉ ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất lúa giống, vùng lúa trọng điểm… Hết tháng 12-2012, thời tiết không có mưa lớn, đơn vị khẩn cấp xây dựng phương án đối phó để trình UBND tỉnh.

Trong khi đó, Sở NN-PTNT Quảng Trị có văn bản đề nghị các địa phương sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày và cực ngắn trong vụ đông xuân 2012 - 2013 (thời gian sinh trưởng khi gieo thẳng khoảng 120 ngày).

Qua đó, hạn chế ảnh hưởng mưa rét đầu vụ, giảm chi phí đầu tư và hạn chế các lứa sâu bệnh phát sinh gây hại. Đồng thời, để tránh rét muộn có khả năng xảy ra trong tháng 1, tháng 2-2013 và tránh lúa trổ, chín gặp lũ tiểu mãn, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương triển khai gieo cấy vụ đông xuân 2012 - 2013 muộn hơn vụ đông xuân mọi năm 10 ngày, tức bắt đầu từ 1-1-2013 mới xuống đồng gieo trà lúa đầu (vụ đông xuân 2011 - 2012 bắt đầu gieo từ 20-12-2011). 

VĂN THẮNG – LAN NGỌC

Tin cùng chuyên mục