Bác sĩ của bản làng

Bác sĩ của bản làng

10 năm công tác ở Trạm y tế xã Mà Cooih (Đông Giang, Quảng Nam), bác sĩ Klâu Nhất (sinh năm 1977) được dân bản tin yêu không chỉ vì giỏi chuyên môn mà còn có kỹ năng vận động đồng bào chăm sóc sức khỏe.

Nhận nhiệm vụ tại xã Mà Cooih từ năm 2007, những cán bộ y tế trẻ tuổi như anh Nhất khi ấy thực sự bước vào cuộc đấu tranh giành giật lại mạng sống cho người bệnh trước những hủ tục mê tín dị đoan. Địa hình phức tạp, các khu định cư của đồng bào nơi đây cách nhau khá xa. Để đến trạm y tế xã khám chữa bệnh, người dân phải đi rất xa, như các khu tái định cư PaChe Palanh, Cutchơrun cách trạm y tế xã đến gần 20km đường đèo núi.

Bác sĩ Klâu Nhất (giữa) được tuyên dương tại Đại hội Thầy thuốc trẻ

Bác sĩ Nhất kể, trước đây không ít người dân khi ốm đau không đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh mà mời thầy mo về cúng, đa phần phụ nữ đều tự sinh nở tại nhà theo tập tục, nên rất nguy hiểm đến tính mạng... Anh cùng đồng nghiệp phải đến từng nhà có người bệnh nặng. Đó là những trường hợp thầy cúng, thầy mo “bó tay” rồi, vì cúng lễ mãi nhưng người bệnh vẫn không khỏi. Để cứu sống người thân, gia đình mới cho anh Nhất đưa về trạm y tế xã chạy chữa, điều trị đến khi hết bệnh. Qua những ca bệnh cụ thể như thế, anh kiên nhẫn và từng bước gây dựng được niềm tin của đồng bào dân tộc vào thầy thuốc.

Câu chuyện chăm lo sức khỏe cho đồng bào dân tộc khó là vậy, nhưng nhờ công tác vận động tốt nên số lượng người dân đến khám bệnh tại trạm đã nhiều và thường xuyên hơn. Già làng ARâl Bốc (thôn AĐền, thuộc khu tái định cư Cutchơrun) cho biết: “Bây giờ, những phương thuốc từ các loài cây rừng vẫn được bà con sử dụng, tuy nhiên bà con đã dần có thói quen đến trạm y tế để chữa bệnh. Đến trạm y tế, bác sĩ khám đúng bệnh và thuốc tây giúp hết bệnh nhanh hơn so với các loại lá rừng”. Alăng Arứp ở khu tái định cư Pachê Palanh cho biết thêm: “Trẻ con sinh ở khu tái định cư đều khỏe mạnh nhờ được chăm sóc tốt. Nhiều khi chị em chuyển dạ mà không lên kịp trạm y tế, thì báo là có cán bộ y tế xuống đỡ đẻ liền. Sau khi sinh, nhiều chị em ở nhà cả tháng mới tiếp tục đi rẫy, không như hồi ở làng cũ nữa”. Điều đáng ghi nhận ở trạm y tế là tình hình bệnh nhân chuyển lên tuyến trên ngày càng giảm. Từ khi có đường Hồ Chí Minh và công trình thủy điện A Vương được xây dựng, trạm y tế hoạt động ngày càng hiệu quả và quy mô hơn. Nhiều đoàn y bác sĩ tình nguyện cũng chọn Trạm y tế Mà Cooih làm “căn cứ” để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân trong vùng.

Khi người dân đã đặt niềm tin vào thầy thuốc, chỉ hơn 10 năm, anh Nhất cùng đồng nghiệp đã xây dựng được mạng lưới y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho người dân không thua kém các địa phương vùng đồng bằng. Nhiều năm qua, xã vùng cao này không có dịch bệnh. Chính những nỗ lực và việc làm cụ thể của những cán bộ y tế cơ sở đã dần giúp thay đổi những hủ tục của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe. Từ chỗ rất ít bà con dân bản đến khám chữa bệnh tại trạm y tế, đến nay, mỗi tháng trạm y tế xã phục vụ khám chữa bệnh cho trên 200 lượt người. Khi được hỏi về hiệu quả hoạt động của trạm y tế, anh Alăng Rấp - Trưởng thôn AĐền, xã Mà Cooih, cho rằng: “Trạm y tế đã hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều cho đồng bào mình chữa được nhiều căn bệnh mà từ trước đến nay người làng đành bó tay. Mình thật bụng cảm ơn".

QUANG QUỲNH

Tin cùng chuyên mục