Phát triển kinh tế tập thể tại TPHCM - Những điểm sáng

Bài 1: Hoạt động đi vào thực chất

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 150.000 tổ hợp tác, 20.000 HTX và 50 liên hiệp HTX (LH HTX), với gần 30 triệu người tham gia. 
Chế biến rau VietGAP tại Hợp tác xã Phước An, TPHCM Ảnh: Thành Trí
Chế biến rau VietGAP tại Hợp tác xã Phước An, TPHCM Ảnh: Thành Trí
Riêng tại TPHCM, đến hết năm 2016, số lượng các HTX, LH HTX và tổ hợp tác đang hoạt động lần lượt là 391 HTX, 4 LH HTX và 3.528 tổ hợp tác ở nhiều ngành nghề khác nhau. Mạng lưới HTX, LH HTX phát triển rộng khắp, được phân bổ đều ở 24 quận, huyện, bao gồm các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải, nông nghiệp - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và quỹ tín dụng nhân dân. Đáng lưu ý, số lượng các loại hình KTTT những năm gần đây không tăng vọt so với trước đây, song các đơn vị làm ăn có lãi chiếm tỷ lệ lớn, hoạt động đi vào thực chất.
Sản xuất gắn với chuỗi giá trị
Cuối năm 2016, PV Báo SGGP nhiều lần tháp tùng đoàn công tác của HĐND TPHCM, UBND TPHCM đến thăm và làm việc với các HTX ở nhiều ngành, nghề của TPHCM. Ấn tượng đầu tiên là việc tổ chức sắp xếp hoạt động tại các HTX đã khoa học hơn; nhà xưởng được đầu tư bài bản; số xã viên tham gia ngày càng tăng; phạm vi hoạt động của các HTX không ngừng mở rộng so với 10 năm trước. 
Tại HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Phước An, không khí làm việc rất tất bật, phối hợp nhịp nhàng, khoa học, từ khâu sơ chế, đóng gói cho đến vận chuyển các loại rau củ quả như cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, rau dền, mướp, khổ qua, dưa leo… Bên ngoài nhà xưởng sơ chế còn có khu nhà lưới rộng lớn, gieo trồng các loại rau thơm như húng, tía tô, cần tây, diếp cá, ngò gai… để vừa cung ứng cho thị trường thành phố, vừa xuất khẩu. 
Ông Trần Văn Thích, Giám đốc HTX Phuớc An cho biết, ra đời năm 2006, HTX chỉ có 15 thành viên tự nguyện, vốn góp 111 triệu đồng và 13,5ha đất sản xuất. Ở giai đoạn đầu, có những lúc hợp tác xã tưởng chừng như tan rã. Nhưng sau khi giải quyết được đầu ra cho các loại rau, hoạt động của HTX dần đi vào ổn định. Đến nay, HTX có vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng (vốn góp thực tế 1,88 tỷ đồng, tối thiểu 10 triệu đồng, tối đa 300 triệu đồng mỗi xã viên), với 62 xã viên, chia thành 7 tổ sản xuất, diện tích đất canh tác 25,3ha và sản lượng rau bình quân cung ứng ra thị trường khoảng 6 - 7 tấn/ngày. 
Sau 10 năm, HTX đã xây dựng được một kho lạnh có sức chứa khoảng 4 tấn củ quả, có hồ xử lý nước thải, nhà sơ chế, đóng gói, 4 xe tải, 14 nhà lưới kính diện tích từ 500 - 1.000m2, hệ thống tưới phun, đèn chiếu sáng, giếng nước (do Quỹ QSEAP tài trợ). Phước An cũng trở thành một nhà cung cấp mặt hàng rau bình ổn cho thị trường thành phố, là đối tác tin cậy cho các siêu thị Co.opmart, Metro, Lotte Mart và một số bếp ăn tập thể. HTX Phước An đang lên kế hoạch trồng thử nghiệm rau hữu cơ với khoảng 10ha để cung cấp cho thị trường. Do cân bằng được lợi ích của xã viên nên kết quả kinh doanh của HTX được cải thiện liên tục. Doanh thu dao động từ 16 - 18 tỷ đồng/năm; lợi nhuận năm 2016 đạt khoảng 1,2 tỷ đồng. Sau khi trích các khoản dự phòng, tái đầu tư, các xã viên được chia lợi nhuận lên đến 30%/năm, dựa trên số vốn thực đóng. 
Trên đây chỉ là một trong hàng chục HTX kiểu mẫu tại TPHCM đã phát triển sản xuất gắn kết với chuỗi giá trị nhằm làm tăng giá trị sản phẩm, tạo đầu ra cho sản phẩm, ổn định công việc cho xã viên. 
Đánh giá khái quát thực trạng KTTT TPHCM giai đoạn 2002 - 2013, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX, Chương trình hành động số 07 của Thành ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả, KTTT tại TPHCM đã có bước phát triển tích cực cả về số lượng, chất lượng. Tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả tăng từ gần 40% (năm 2001) lên 70% (năm 2012). Số HTX yếu kém, thua lỗ từ 37% giảm còn khoảng 12%.
Bà Lê Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Liên minh HTX TPHCM, cho biết, đến năm 2016, số lượng các HTX làm ăn hiệu quả, có lãi đã tăng lên gần 80%, trong đó nổi bật là HTX trong các lĩnh vực thương mại, vận tải và nông nghiệp. Quy mô, phạm vi hoạt động của các HTX được mở rộng. Nhiều HTX đã liên doanh, liên kết với nhau và với các DN khác để phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, tăng quy mô nguồn vốn. Có khá nhiều HTX nông nghiệp, thương mại - dịch vụ đã có đủ điều kiện, khả năng tài chính, mạng lưới phân phối, chất lượng sản phẩm để tham gia hiệu quả vào chương trình bình ổn thị trường như LH HTX Thương mại TPHCM, HTX Phước An, HTX Tiên  Phong, HTX Phú Lộc... Hàng trăm xã viên đã bỏ vốn từ 1 - 2 tỷ đồng đầu tư mới xe chở khách, nhiều thành viên góp vốn điều lệ có quy mô lớn đến hàng tỷ đồng. Các HTX vận tải hiện chiếm trên 70% đầu xe vận chuyển hành khách công cộng trong toàn TP.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX trên địa bàn TPHCM đã đưa bộ mặt nông thôn đổi thay tích cực. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã được người dân hưởng ứng. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn.
Phấn đấu nâng tỷ lệ đóng góp GDP lên 1,2%
Để có được kết quả nêu trên, nhiều năm qua, lãnh đạo TPHCM luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển KTTT. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển HTX ngày càng hoàn thiện, đi vào cuộc sống. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của KTTT, về HTX kiểu mới đã có nhiều chuyển biến căn bản. Mặt khác, TPHCM cũng đặc biệt quan tâm đến công tác thi đua với những chủ đề cụ thể, khen thưởng kịp thời cho các cá nhân, tập thể tiêu biểu, qua đó tạo động lực rất lớn trong việc vận động cán bộ, người lao động hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ của đơn vị. Liên minh HTX TPHCM đã tổ chức đại hội HTX điển hình tiên tiến giai đoạn 2014 - 2016, nhằm tôn vinh và khen thưởng 32 LH HTX, HTX đã có thành tích tốt, từ đó nhân rộng các mô hình tiên tiến trên toàn địa bàn TP. 
Bên cạnh những mặt mạnh, theo nhận định của UBND TPHCM, KTTT tại TPHCM vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Phần lớn các HTX có quy mô nhỏ, ít vốn kinh doanh, khả năng tích lũy tái đầu tư còn thấp. Các chính sách hỗ trợ HTX triển khai còn chậm, hiệu quả chưa cao. Lực lượng cán bộ quản lý chuyên trách về KTTT còn khá mỏng, chưa sâu sát, bản thân Liên minh HTX TPHCM chưa mạnh, chưa đủ sức đáp ứng các nhu cầu tư vấn, hỗ trợ của các HTX. Chính do vậy, KTTT tại TPHCM mới chỉ đóng góp một tỷ lệ rất nhỏ, chỉ đạt mức 0,08% GDP của TP trong năm 2016.
Theo UBND TPHCM, trong giai đoạn 2015 - 2020, TPHCM tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. TP tiếp tục củng cố, sáp nhập, hợp nhất các HTX có quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp, ít xã viên, hoạt động chưa hiệu quả. Giải thể các HTX không tập trung phục vụ lợi ích xã viên, không đúng với nguyên tắc, bản chất HTX và các HTX yếu kém kéo dài. Thu hút ngày càng nhiều cá nhân, hộ gia đình, tổ chức tham gia kinh tế hợp tác, HTX, đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng GDP của TP, góp phần giảm nghèo bền vững. 
Là một trong những cán bộ hoạt động lâu năm trong lĩnh vực KTTT, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhìn nhận, KTTT của Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đang trong quá trình đổi mới để phát huy tính hiệu quả. Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập kinh tế, mở cửa thị trường, KTTT cũng cần có bước chuyển gắn với các chuỗi giá trị để nâng sức cạnh tranh của sản phẩm và của chính HTX trên thị trường. Để làm được việc này, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách về mặt bằng, vốn, cũng như các chính sách cán bộ và nguồn nhân lực cho khu vực KTTT. Trong số đó, các chính sách về nguồn nhân lực để thu hút người có thực tài phải được ưu tiên hàng đầu mới có thể thúc đẩy KTTT phát triển như mong muốn .

Tin cùng chuyên mục