Kích cầu tiêu dùng - cách nào?
Thị trường vừa bước qua tháng 9 - tháng có nhiều chương trình khuyến mãi nhất trong năm, rồi lại đến đợt khuyến mãi dịp 20-10 nhằm kích cầu sức mua. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn không như mong muốn của hầu hết các nhà kinh doanh. Tại nhiều hệ thống siêu thị và doanh nghiệp (DN) sản xuất, việc điều chỉnh kế hoạch doanh thu của năm trở nên khá phổ biến.
Bán hàng giá gốc
Thông thường vào khoảng cuối tháng 10 hàng năm, hoạt động mua bán tại các chợ loại 1 ở TPHCM có phần khởi sắc hơn. Tiểu thương bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị hàng tết, còn khách hàng từ các tỉnh cũng sẽ về đặt hàng nhiều hơn. Bên cạnh đó, sức mua các mặt hàng đặc sản của Việt Nam, hàng thủ công mỹ nghệ của du khách, Việt kiều… cũng tăng hơn so với những tháng trước đó. Vậy nhưng năm nay tình hình có khác. Theo chị Muối, tiểu thương bán vải ở chợ An Đông (sạp I/ 11-12), những năm gần đây, lượng khách đến mua vải may quần áo giảm hẳn. Tại thời điểm này, sức mua rất chậm.
Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bánh kẹo Bibica cho biết, từ đầu năm đến nay cùng với việc giữ giá ổn định, công ty đã phối hợp với các đối tác thực hiện thường xuyên các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng nhưng nhìn chung sức mua vẫn còn yếu. Tại Công ty Vissan, doanh thu trong 9 tháng qua đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, lợi nhuận tăng 10%. Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, để đạt được con số này cũng hết sức khó khăn. Vissan vừa cân đối hoạt động sản xuất kinh doanh để bình ổn thị trường, vừa phối hợp với các DN phân phối khuyến mãi giảm giá. Từ nay đến cuối năm, Vissan tiếp tục duy trì cách làm này để giữ thị trường, đảm bảo doanh thu.
Tại hầu hết các siêu thị, chỉ tiêu doanh thu ở các ngành hàng cũng không đạt được mức tăng trưởng mong muốn. Chưa bao giờ kinh doanh siêu thị lại bước vào cuộc đua khốc liệt về khuyến mãi, giảm giá như thời điểm này. Việc tổ chức các chương trình bán hàng giá gốc để “lôi kéo” khách hàng đang trở thành xu hướng khá phổ biến tại nhiều siêu thị. Theo lý giải của tổng giám đốc một hệ thống siêu thị, bán hàng giá gốc có nghĩa siêu thị mua hàng từ nhà sản xuất bao nhiêu thì sẽ bán đến tay người tiêu dùng bấy nhiêu. Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, việc bán hàng giá gốc là nhằm chia sẻ với người tiêu dùng. Và nữa, nếu khách hàng đến với siêu thị thì hy vọng họ không chỉ mua hàng giá gốc mà sẽ còn mua thêm những sản phẩm khác… Cách làm này đang được các siêu thị thực hiện ráo riết ở nhóm các mặt hàng thiết yếu, trong đó chủ yếu hàng thực phẩm tươi sống.
Thay đổi kênh mua sắm
Kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Wordpanel mới đây cho thấy, người tiêu dùng ngày càng trở nên đắn đo hơn trong mua sắm. Niềm tin về việc làm, chi phí và tiêu chuẩn cuộc sống đều giảm sút. Khoảng một nửa số hộ gia đình thành thị nghĩ rằng, đây không phải thời điểm tốt để mua sắm lớn.
Bên cạnh đó, những thay đổi hành vi mua sắm đã kéo mức tăng trưởng về mặt giá trị chậm lại trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, từ 16% năm ngoái xuống còn 10% trong năm nay. Trong khi các hộ gia đình thu nhập cao vẫn chọn lựa những sản phẩm đắt tiền và chi tiêu nhiều hơn thì ở nhóm các hộ thu nhập thấp phải cắt giảm chi tiêu, đặc biệt với các sản phẩm từ sữa và thực phẩm đóng hộp. Kết quả của Kantar công bố cũng khá bất ngờ, đó là người tiêu dùng đang có sự thay đổi kênh mua sắm từ các siêu thị về các cửa hàng tiện ích hoặc tiệm tạp hóa gần nhà vì nhiều lý do. Chính sự dịch chuyển này đã đẩy sự cạnh tranh trong nội bộ kênh siêu thị sẽ càng trở nên khốc liệt. Họ phải thường xuyên có các chương trình khuyến mãi thật sự nổi bật hơn mới mong thu hút được người tiêu dùng.
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, ông Văn Đức Mười nhìn nhận, các DN trong hội giờ đây chỉ tập trung sản xuất và cung ứng các mặt hàng hết sức thiết yếu, song do sức mua chậm nên họ đang phải cầm cự để duy trì. “Hoạt động của các DN trong hội đang yếu dần, giống như họ không dám “thở” mạnh vì sợ sẽ hết oxy để sống” - ông Mười ví von.
Kết quả kinh doanh trong những tháng đầu năm giảm sút khiến nhiều DN đã điều chỉnh các chỉ tiêu năm. Trường hợp Công ty cổ phần Cao su Thống Nhất (TNC) là điển hình. Từ đầu năm đến nay, công ty đã 2 lần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Tại đại hội cổ đông thường niên, TNC đặt kế hoạch doanh thu 202 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 43 tỷ đồng. Nhưng đến cuối tháng 6-2013 đã điều chỉnh doanh thu xuống còn 186 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế xuống còn 33,5 tỷ đồng. Tại phiên họp gần nhất, HĐQT công ty tiếp tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, trong đó, doanh thu tiếp tục giảm xuống còn 170 tỷ đồng.
Nhìn nhận về việc điều chỉnh các chỉ tiêu, phó tổng giám đốc của một hệ thống siêu thị cho rằng, kế hoạch do chính công ty đưa ra nên việc điều chỉnh cũng bình thường. Chỉ có điều, trong một năm mà DN điều chỉnh nhiều lần với mức sai số khá lớn và nhiều DN cùng điều chỉnh thì e không tốt cho “sức khỏe” của nền kinh tế cũng như “sức khỏe” của DN. Đây là dấu hiệu rất đáng lo ngại!
Thúy Hải