Đồng chí Hà Đăng (ảnh), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư, đã trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
* PV: Theo đồng chí, việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có tầm quan trọng như thế nào?
* Đồng chí HÀ ĐĂNG: Trọng tâm là chúng ta phải xây dựng rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền và các đơn vị. Nghị quyết này có 3 nội dung trọng yếu, có thể thấy rõ, “nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; “nhất là ở cấp trung ương”, nghĩa là người cán bộ càng có thẩm quyền cao thì trách nhiệm phải càng lớn.
Chúng ta cần nhìn nhận rõ, nếu nguyên tắc tập trung dân chủ được làm đúng thì bảo đảm sự lãnh đạo rất chặt chẽ, nhưng nếu không đúng thì xảy ra hai hiện tượng. Thứ nhất là tập trung vô giới hạn, cuối cùng dẫn đến việc mất dân chủ, cái gì cũng để người đứng đầu quyết định, xảy ra tình trạng độc tài, chuyên quyền, trái với nguyên tắc tập trung dân chủ. Thứ hai, dân chủ nhưng phân tán, nhiều ý kiến, nhưng cuối cùng tập thể quyết định, đến khi xảy ra sai phạm thì không ai chịu trách nhiệm, kể cả người đứng đầu, vì ai cũng nói làm theo quyết định của tập thể. Hiện nay đang tồn tại cả hai hiện tượng đó. Phải tập trung khắc phục tình trạng này.
* Mối quan hệ giữa người đứng đầu và cấp ủy, chính quyền hiện nay đang ở mức độ nào thưa đồng chí?
* Lâu nay với vấn đề lớn, khi đưa ra bàn, tập thể quyết định theo đa số và phân công người phụ trách. Làm vậy là đúng. Nhưng thực tế có những trường hợp, tập thể quyết định rồi nhưng cá nhân cứ dựa vào tập thể, nên khi làm đúng thì ai cũng vỗ tay vào, nhất là người đứng đầu cũng nhận thành tích lớn về mình, nhưng khi làm sai thì cá nhân không ai chịu trách nhiệm, vì đúng là quyết định của tập thể. Chúng ta đã gặp nhiều trường hợp này rồi. Vì thế, tập thể quyết định nhưng phải có người thi hành và cá nhân phải chịu trách nhiệm.
Vấn đề là phải làm rõ thẩm quyền của người đứng đầu, tập thể quyết định nhưng khi thực hiện, người đứng đầu có quyền có những sáng kiến cá nhân đúng với thẩm quyền đã được trao để thực hiện cho đúng, để anh không làm sai và phải chịu trách nhiệm. Thực tế có nhiều người đứng đầu cảm thấy mình không đủ quyền lực để triển khai quyết định của tập thể và cũng có những trường hợp quá ham mê quyền lực, lạm dụng quyền lực. Vì vậy, khi xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị là phải ở cả hai mặt. Một là để người đứng đầu có quyền hạn cần thiết cũng như xác định rõ trách nhiệm của họ, tránh tình trạng người đứng đầu kêu ca “tôi muốn làm cái này cái kia nhưng vì điều này, điều nọ mà không làm được”. Hai là không để người đứng đầu có cơ hội lẩn tránh trách nhiệm của mình. Tóm lại, phải xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, để họ có công thì được ghi nhận, có tội thì phải lãnh trách nhiệm.
* Thực tế hiện nay trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ?
* Trong cấp ủy, nếu có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ chẳng hạn, dĩ nhiên người gây ra những lủng củng phải chịu trách nhiệm, nhưng người đứng đầu có phải chịu trách nhiệm không? Hoặc nếu mất đoàn kết do người đứng đầu gây ra thì ai chịu trách nhiệm? Thường thì chúng ta chỉ phê bình cấp ủy, chứ người đứng đầu chưa thực sự chịu trách nhiệm. Trong cơ quan Nhà nước cũng vậy, tất cả bê bối xảy ra trong một bộ chẳng hạn, bộ trưởng có chịu trách nhiệm không? Rõ ràng, với những khuyết điểm, sai phạm có những cái có thể rút kinh nghiệm nhưng có những cái phải được xử lý nghiêm minh hơn. Lần này Hội nghị Trung ương 4 nhận rõ đây là một trong những khâu chúng ta đang yếu và nếu sửa được khâu này thì sẽ giúp đổi mới chỉnh đốn xây dựng Đảng: việc gì cũng có người phụ trách, người phụ trách đó phải đủ quyền lực để đảm đương nhiệm vụ đồng thời phải chịu trách nhiệm với quyền hạn được giao. Chứ không chỉ là công thì nhận, tội thì né. Không thể có chuyện lỗi thì do tập thể còn thành tích là của cá nhân hoặc ngược lại.
* Một số ý kiến cho rằng không phải bây giờ Đảng mới đặt ra vấn đề cấp bách xây dựng Đảng, các giải pháp cũng không phải bây giờ mới được đề cập nhưng hiệu quả chưa cao, vậy giải pháp nào để đột phá?
* Giải pháp lớn nhất bây giờ là làm. Đúng là chúng ta đã nói nhiều rồi, giờ chỉ là làm. Lần này, tôi thấy Trung ương rất quyết liệt, xác định sẽ làm từ trên xuống. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất bây giờ là hành động, quyết tâm mạnh mẽ từ trên xuống.
* Đồng chí có ủng hộ việc cần lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ chủ chốt của Trung ương?
* Tôi chắc là Trung ương sẽ phải làm việc này, sẽ phải có những quy định cụ thể như vậy. Nhưng cũng cần xác định rõ, chỉnh đốn là động đến con người, vì vậy sẽ phải làm thận trọng. Phê bình, tự phê bình là vũ khí để xây dựng, phát triển Đảng. Rất nhiều đảng viên tốt, những người chân chính, nhưng cũng có cán bộ do chế độ ưu đãi này nọ đã trở nên cơ hội, vun vén lợi ích cá nhân. Lần này, nếu chúng ta làm có kết quả, ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái, chống cho được tham nhũng thì sẽ đem lại lòng tin cho nhân dân. Chúng ta cần làm triệt để một số vụ việc sai phạm để nhân dân thấy Đảng ta không giơ cao đánh khẽ.
Tôi tin là lần này sẽ làm mạnh, với quyết tâm cao.
THÀNH VINH thực hiện
Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” |
Bài 1: Nguyên Tổng Bí thư LÊ KHẢ PHIÊU: Phải gương mẫu, chỉnh đốn trước hết ở lãnh đạo cấp cao |