Nỗi lo thủy điện miền Trung - Tây Nguyên:

Bài 2: Lênh đênh khu tái định cư

Nhường đất làm thủy điện, hàng trăm hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đông Giang và Bắc Trà My (Quảng Nam) bị đẩy sâu vào rừng để sống tại các khu tái định cư (TĐC) Alua – Ka La, Trà Đốc, Trà Bui… do chủ đầu tư xây sẵn. Thế nhưng khi đến nơi ở mới, người dân vốn đã khó khăn nay càng thêm khổ cực do thiếu đất sản xuất. Những người muốn bám trụ thì phải phá rừng kiếm sống, còn ai không phá rừng thì bỏ làng mà đi...
Bài 2: Lênh đênh khu tái định cư

Nhường đất làm thủy điện, hàng trăm hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đông Giang và Bắc Trà My (Quảng Nam) bị đẩy sâu vào rừng để sống tại các khu tái định cư (TĐC) Alua – Ka La, Trà Đốc, Trà Bui… do chủ đầu tư xây sẵn. Thế nhưng khi đến nơi ở mới, người dân vốn đã khó khăn nay càng thêm khổ cực do thiếu đất sản xuất. Những người muốn bám trụ thì phải phá rừng kiếm sống, còn ai không phá rừng thì bỏ làng mà đi...

  • Tái định cư... khu tái định cư

Khu TĐC Alua, K’la (xã Dang, huyện Tây Giang) do Ban quản lý thủy điện A Vương đầu tư xây dựng năm 2004 để bố trí nơi ở mới cho nhân dân hai thôn Alua, K’la thuộc diện di dời khỏi lòng hồ thủy điện A Vương. Tuy nhiên, tại nơi ở mới, đời sống người dân hết sức khốn khó vì không đất sản xuất lúa nước, làm nương rẫy… dẫn đến tình trạng phát đốt rừng già, rừng đầu nguồn để làm nương rẫy. Từ nhiều năm qua, nhà TĐC và các công trình công cộng xuống cấp nghiêm trọng không sử dụng được, luôn xảy ra hiện tượng sạt lở đất. Điều đáng nói, khu TĐC gồm nhà dân, trường học, trụ sở UBND xã được bố trí bên mép hồ thủy điện A Vương nên trước mỗi mùa mưa tới, từ dân cho đến cán bộ, giáo viên,… ai cũng lo sợ bị đất đè, nước cuốn.

Cứ mỗi mùa mưa đến, đường giao thông đến với xã Dang (huyện Tây Giang, Quảng Nam) lại lầy lội khiến đời sống người dân hết sức khó khăn.

Cứ mỗi mùa mưa đến, đường giao thông đến với xã Dang (huyện Tây Giang, Quảng Nam) lại lầy lội khiến đời sống người dân hết sức khó khăn.

Ngày 15-5, ông Bh’ling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết đến nay đã có 8 ngôi nhà bị sạt lở, sập hoàn toàn từ năm 2009 và hai lần khu nội trú Trường THCS xã Dang bị vùi lấp xuống lòng hồ thủy điện; hệ thống nước tự chảy bị hư hỏng hoàn toàn, nhân dân không có nguồn nước để sinh hoạt; giao thông vào khu TĐC bị sạt lở, gây ách tắc nhiều đoạn rất khó khăn trong việc đi lại của người dân. Để đảm bảo tính mạng người dân, UBND huyện Tây Giang đã lập đề án tái định cư... khu TĐC thủy điện A Vương với tổng kinh phí 42 tỷ đồng tại nơi mới cách đó 3km và đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là mặc dù tỉnh Quảng Nam giao cho Công ty CP Thủy điện A Vương phải lo xây dựng điện, đường và trạm xá tại khu mới nhưng công ty này… chưa đồng ý.

Ông Mia cho biết thêm, dù thế nào đi nữa huyện cũng phải di dời 115 hộ dân tại khu TĐC Alua và K’la ra khỏi vùng nguy hiểm đến TĐC tại thôn K’la và Bhađuh (xã Dang) trước mùa mưa năm nay để đảm bảo tính mạng cho dân.

  • Từ tái định cư đến tái... nghèo

Trong khi đó, tại Bắc Trà My, hàng trăm hộ dân tại các khu TĐC thủy điện Sông Tranh 2 như Trà Đốc, Trà Bui rơi vào cảnh “đi không nỡ, ở không xong”. Khi xây dựng thủy điện Sông Tranh 2, có đến 1.200 hộ dân với gần 7.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Công trình này đã làm ngập xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác và Trà Tân với số hộ trong vùng ảnh hưởng là 1.196 hộ với 6.329 nhân khẩu. Trong đó, số hộ phải di dời đến nơi ở mới là 834 hộ với 4.369 nhân khẩu.

Đến TĐC ở nơi mới, hầu hết người dân vốn quen với ruộng vườn, nương rẫy chuyển sang sống cảnh như ở… thành phố vì không có ruộng để làm lúa, không có rẫy để trồng rừng. Đã 6 năm qua kể từ ngày đến nơi ở mới, cuộc sống người dân tại các khu TĐC thủy điện Sông Tranh 2 khó khăn hơn lúc trước. Đói nghèo cứ bủa vây vì thiếu đất sản xuất.

Khu TĐC thuộc thôn 3, xã Trà Đốc nằm dưới thân đập thủy điện Sông Tranh 2. 72 hộ ngôi nhà TĐC của thôn 3 Trà Đốc do BQL dự án thủy điện 3 xây dựng theo mẫu thiết kế nay đã xuống cấp chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Hầu hết nhà TĐC tường bê tông bong tróc loang lổ, mái nhà hư hại nặng nề, cửa, đòn tay mục nát… Do nhà cửa không đảm bảo, thiếu đất canh tác, nước sinh hoạt không có, đến nay đã có 20 hộ dân bỏ khu TĐC trở lại làng cũ để mưu sinh. Thế nhưng, từ cuối năm 2011 đến nay, động đất rồi sự cố thấm chảy nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2 càng khiến người dân thêm lao đao.

Ông Đinh Văn Minh, Trưởng thôn 3 xã Trà Đốc, xác nhận, nhà cửa xuống cấp, không có đất, không có nước sinh hoạt, công trình dân sinh xuống cấp, đói nghèo vây quanh nên nhiều hộ dân bỏ làng mới về làng cũ sống. Cuộc di dân “bất đắc dĩ” này buộc chính quyền địa phương phải chia thôn 3 xã Trà Đốc thành 2 đơn vị nhỏ, 3A và 3B. 3A là khu TĐC, còn 3B là nơi 20 hộ dân người dân tìm về làng cũ. Để con em đồng bào thiểu số được tiếp tục học hành, chính quyền địa phương đã dựng trường tạm để vận động học sinh đến trường. Bi kịch hơn, 340 hộ dân thôn 5 xã Trà Đốc bị “đẩy” vào tận rừng sâu, cách nơi ở cũ cả chục cây số để TĐC. Cũng với điệp khúc “thiếu đất, thiếu rẫy”, người dân lại lên rừng phá rừng phòng hộ làm rẫy nhưng đời sống nghèo vẫn hoàn nghèo.

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết, hiện UBND huyện đã lập phương án chuyển đổi 800ha đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất cấp cho dân để sớm ổn định đời sống. Tuy nhiên, để làm được việc này, huyện đang đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Bên cạnh đó, UBND huyện đề nghị chủ đầu tư cho khảo sát, kiểm tra và sửa chữa các công trình nước sạch, trường học, nhà dân đã bị xuống cấp, hư hỏng… mới có thể đảm bảo đời sống dân sinh tại nơi ở mới.

NGUYÊN KHÔI

"Trong quá trình xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nếu không giải quyết thấu đáo dựa trên những cứ liệu khoa học sẽ gây hậu quả xấu cho môi trường sinh thái, tiềm ẩn nguy cơ nghèo và tái nghèo tại các dự án thủy điện."

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

>> Nỗi lo thủy điện miền Trung - Tây Nguyên. Bài 1: Sông khô, người khát

Tin cùng chuyên mục