“Đòi” lại lòng đường, vỉa hè cho giao thông - cách nào?
>> Bài 1: Cuộc đấu tranh trong mỗi gia đình
>> Bài 2: Chuyển động từ những cách làm ở cơ sở
“Đòi” lại lòng đường, vỉa hè cho giao thông khó hay dễ? Câu hỏi trên được đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đặt ra trong các buổi làm việc với lãnh đạo TP và các sở ngành, UBND các quận - huyện về công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn. Dù câu trả lời của đại diện lãnh đạo các đơn vị có khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là, nếu có quyết tâm chính trị cao, có cách làm kiên nhẫn và huy động được sức dân, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của xã hội thì khó mấy cũng thành công…
“Vừa dễ, vừa khó”
|
Đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM trả lời câu hỏi trên của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng như vậy. Câu trả lời trên dù có vẻ hơi “nước đôi”, nhưng như đồng chí Đinh La Thăng nói đã mở ra nhiều vấn đề trong bài toán giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để làm nơi kinh doanh, buôn bán - đã trở thành thói quen của người dân không chỉ ở TPHCM mà còn nhiều đô thị khác trong cả nước. “Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói dễ là vì chúng ta làm nhiều lần rồi, giống như bỏ thuốc lá dù rất khó nhưng nhiều người thường nói “có khó gì đâu, tôi bỏ 10 lần rồi”. Đòi lại lòng đường, vỉa hè cũng vậy, có khó gì đâu, rất dễ là đằng khác, vì chúng ta làm nhiều lần rồi. Từ năm 2001, Thành ủy đã có chỉ thị về lập lại trật tự đô thị, cả nước thì có Nghị định 36 của Chính phủ... Điều này cho thấy công tác này là dễ, chúng ta mới làm nhiều lần, làm từ rất lâu như vậy. Còn khó là gì, khó là chúng ta làm mãi không được, làm mãi mà kết quả không đến đâu. Vì vậy, làm lần này chúng ta phải quyết tâm hơn và có cách làm khác hơn, hiệu quả thiết thực hơn…”, đồng chí Đinh La Thăng nói.
Định hướng trong cách làm lần này được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM chỉ rõ đối với từng ngành, từng địa phương, trước tiên là xác định cho được công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn hiện có những khó khăn, thuận lợi gì để đưa ra giải pháp, cách làm cho phù hợp với thực tế của từng địa phương, từng địa bàn. Khó khăn chung là làm sao thay đổi được thói quen. TPHCM cũng như nhiều đô thị khác, lòng đường, vỉa hè dành cho giao thông nhưng gắn với nó là kinh tế vỉa hè, một bộ phận quan trọng của phát triển kinh tế, gắn với giải quyết việc làm, gắn với phong tục tập quán. “Bỏ thói quen này là rất khó. Bây giờ chúng ta làm, nhân dân nghi ngại, sợ là “đánh trống bỏ dùi”. Đây là khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt. Tuy nhiên, khó mà chúng ta quyết tâm làm được, và làm có hiệu quả thì dân sẽ tin. Chúng ta biết, khó như chống ma túy, tội phạm nguy hiểm, công an làm được, chính quyền làm được; khó như quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, khó như cấm đốt pháo mà chúng ta còn làm được… Do vậy, việc lập lại trật tự đô thị, trả lại lòng đường, vỉa hè cho giao thông nếu chúng ta quyết tâm và cả hệ thống chính trị vào cuộc, thì nhất định làm được…”, đồng chí Đinh La Thăng khẳng định.
Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình vận động người dân không buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: VIỆT DŨNG
Dựa vào dân để “đòi” lại lòng đường, vỉa hè
Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị của UBND quận Gò Vấp về tăng cường công tác quản lý trật tự lòng, lề đường trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Lê Hoàng Hà cho biết, ngày nào ông cũng nhận được tin nhắn của người dân phản ánh có cán bộ này, công chức, viên chức kia đậu xe bừa bãi, tiện đâu mua đó, dừng xe ngay lề đường hỏi mua đồ gây ách tắc giao thông. “Việc làm này là sai, vì trong chỉ thị của UBND quận có quy định rõ, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được có hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, dựng xe mua bán không đúng quy định. Từ phản ánh này của người dân, UBND quận cũng đã chỉ đạo các đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm tiến hành kiểm điểm, nhẹ thì nhắc nhở, nặng đã có trường hợp phải xử lý kỷ luật…”, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Lê Hoàng Hà nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Lê Hoàng Hà, còn rất nhiều trường hợp vi phạm khác về trật tự đô thị được người dân phản ánh và chính quyền cũng đã xem xét, xử lý. Từ kết quả của cách làm này, trong giải pháp thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị, quận đặc biệt chú trọng đến phát huy vai trò của nhân dân thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội ở từng địa bàn dân cư. Ngoài ra, quận còn phát động cuộc thi ý tưởng, giải pháp thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị với mức giải thưởng cao nhất lên tới 100 triệu đồng. Thông qua cuộc thi này, đã có hàng ngàn ý tưởng, giải pháp của người dân gửi đến, tất cả đều thể hiện một tầm nhìn, cách làm đi từ thực tế với mong muốn và khát vọng của người dân muốn được góp sức mình cho mục tiêu phát triển thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Để “đòi” lại lòng đường, vỉa hè cho giao thông, trong nhóm giải pháp thực hiện, lãnh đạo TPHCM cũng đặc biệt chú trọng đến yếu tố nhân dân, đi từ người dân để đề ra những chính sách, cách làm gắn với đặc thù của người dân trên từng địa bàn và có tính nhân văn cao. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ quận huyện đến phường, xã, thị trấn, khu phố, tổ dân phố tạo sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ của cán bộ, nhân dân về việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông. Quá trình lập, triển khai các kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cần có phương án tổ chức lấy ý kiến của đại diện nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, chuyển biến tích cực và ủng hộ việc thiết lập trật tự đô thị. Đồng thời, phối hợp tốt giữa các lực lượng Công an, Đội Quản lý trật tự đô thị, Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, xử lý triệt để các điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, nhất là các khu vực chợ tự phát, khu vực trước cổng trường, bệnh viện, các vị trí nhà chờ, điểm dừng xe buýt và các vị trí có nguy cơ cao dễ dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp để phương tiện không đúng nơi quy định, không bảo đảm an toàn giao thông, ảnh hưởng vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị; kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời tình trạng người ăn xin, buôn bán hàng rong, nạn chèo kéo khách du lịch, làm ảnh hưởng đến an ninh của du khách, an ninh trật tự; thực hiện thường xuyên công tác duy tu, sửa chữa và đầu tư, nâng cấp vỉa hè các tuyến đường, xử lý kịp thời những bất cập bảo đảm cho người bộ hành lưu thông an toàn trên địa bàn quản lý.
Về giải pháp căn cơ, lâu dài, TP cũng sẽ quy hoạch, sắp xếp, bố trí các khu vực chợ, tiến tới xóa bỏ các chợ tự phát, di dời, tái bố trí tiểu thương, người dân buôn bán trên lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường vào những khu vực quy định; yêu cầu các cá nhân, đơn vị trong quá trình hoạt động kinh doanh phải bố trí, sắp xếp chỗ đậu xe bảo đảm không lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè gây mất trật tự an toàn giao thông…
HOÀI NAM - ÁI CHÂN