
Từ chỗ bơ vơ không còn ai thân thiết trên cuộc đời này, những đứa trẻ của Làng SOS đã lớn lên trong tình yêu thương và tự tin mở cánh cửa cuộc đời bằng tấm bằng đại học, bằng tốt nghiệp trường nghề. Có em còn được đi du học hoặc mở hẳn doanh nghiệp và làm… giám đốc.
Cuộc đời tưởng đã bỏ đi

Cô bé Trần Thị Ty (bìa phải) đang sống hạnh phúc tại Làng trẻ SOS. Ảnh: Hoàng Anh
Cuối năm học 2007 vừa rồi, cô bé Trần Thị Ty, nhà số 17 lấy được bằng tú tài và thi vào đại học ngành kinh tế. Dù chưa phải thuộc hàng “top” trong số những trẻ học giỏi và thành đạt của làng, cô bé vẫn được nhắc đến như một thành quả ngọt lành nhất mà làng trẻ có được trong suốt bao nhiêu năm qua. Bởi đã có lúc, tuổi thơ dữ dội của Ty khiến mọi người nghĩ rằng việc phát triển như một đứa trẻ bình thường với em dường như là quá sức.
Cuối năm 1992, nhiều người dân ở gần Khu Đại học Quốc gia TPHCM phát hiện một gã đàn ông đang dộng đầu một bé gái độ chừng 3 tuổi vào tường đến đổ máu, bất tỉnh. Người ta báo công an. Gã đàn ông bị bắt và một sự thật kinh hoàng được phơi bày. Hắn đã bắt cóc cháu bé từ Nha Trang đem về TPHCM, dùng làm công cụ kiếm tiền.
Hai tay em biết bao lần bị bẻ quặt cho gãy từ cổ, khuỷu cho đến cánh tay, rồi đem đi bó bột miễn phí ở Bệnh viện Nhi Đồng. Mỗi lần gây xong thương tích, hắn lại bồng bé đi khắp nơi kể khổ, xin tiền. Đến khi em lớn hơn một chút, hắn cho em đi ăn xin ở khu vực Hồ Con Rùa. Hàng ngày, em bị hắn đánh đập, rạch mặt, hành hạ dã man. Đến khi gã đàn ông vào tù, em được phóng viên Ban Chương trình - Xã hội Báo SGGP đưa vào Làng trẻ SOS.
Ngày vào làng trẻ, gặp ai, bé Ty chỉ biết nói độc một câu: “Mấy cô, mấy chú cho con hai ngàn, nhà con nghèo, mẹ con bệnh…”. Thì ra, trong suốt thời gian lây lất xin ăn, em chỉ được dạy nói mỗi một câu, nếu bập bẹ học nói câu khác là bị gí đầu thuốc lá đang cháy vào gáy. Suốt ngày em cứ ra ngẩn vào ngơ, luôn sợ hãi, có biểu hiện mắc bệnh tâm thần. Các mẹ kiên nhẫn tập cho em nói, tập cho em nhận biết thế giới chung quanh, rồi tập đọc, tập viết.
Đến tuổi đi học, năm đầu tiên, bé Ty không thể theo kịp bạn bè. Ban giám đốc và các giáo dục viên vẫn quyết định cho bé học tiếp, biết đâu chừng… Mấy năm tiểu học của Ty trôi qua, sức học chỉ vừa đủ được lên lớp. Sang cấp hai, em học có phần khá hơn. Lên cấp ba, Ty học giỏi, thừa sức vượt qua kỳ thi tú tài. Ước mơ lớn nhất của Ty là được vào đại học.
Ty tâm sự: “Em chỉ muốn đậu vào đại học, ra trường có việc làm, kiếm ra nhiều tiền để giúp đỡ những trẻ em bất hạnh khác”. Hôm gặp tôi, Ty đang chờ kết quả đại học. Hai cánh tay nhiều lần bị đánh gãy của em vẫn khuỳnh khuỳnh, không thể thẳng ra như bình thường. Nhưng những vết sẹo ở cổ đã được cô bé khéo léo dùng mái tóc dài che đi. Những vết dao rạch trên trán và mặt em được ánh sáng của nụ cười rất tươi làm cho phai nhạt. Quá khứ kinh hoàng đã khép lại. Cuộc đời em đang sang một trang mới.
Du học sinh mồ côi
Ba là bác sĩ, mẹ là giáo viên, những tưởng cuộc đời của 4 anh em Hồ Sĩ Linh, Hồ Sĩ Long, Hồ Sĩ Lưu và Hồ Thảo Ly sẽ vô cùng tươi sáng. Đột ngột năm Linh chưa tròn 12 tuổi, mẹ em bị sốt rét qua đời. Chẳng bao lâu sau, bố cũng mất. 4 anh em nheo nhóc được đưa vào làng trẻ, chỉ mong có chỗ che nắng, che mưa. Nhờ tình thương của các mẹ và sự chăm sóc của trung tâm, cả 4 anh em đều học rất giỏi.
Hồ Sĩ Linh được xem là anh cả học giỏi nhất làng. Mới vào trung học, Linh tìm được học bổng du học tại Na Uy. Sau khi học hết trung học, cậu bé tiếp tục xin được học bổng du học ở Úc. Năm 2005, Linh tốt nghiệp đại học ở Úc và hiện đang làm luận án thạc sĩ ngành luật và có công việc ổn định tại một văn phòng luật sư uy tín ở Syney. Gương hiếu học, vượt khó của Linh đã khiến Giám đốc Làng trẻ SOS quốc tế Helmut Kutin cảm động. Ông đã sang tận Úc để thăm em và xem em như con. Không chịu thua kém anh, Hồ Sĩ Lưu cũng đang học đại học ngành công nghệ thông tin ở Ấn Độ, Hồ Sĩ Long hiện là sinh viên Đại học Luật. Bé út Thảo Ly thi đậu vào trung cấp Học viện Bưu chính Viễn thông. Năm nào, Hồ Sĩ Linh cũng tranh thủ về thăm Việt Nam, thăm lại làng trẻ và đóng góp một phần vào việc xây dựng làng trẻ, lo cho các em.

Cũng như Linh, nhờ học giỏi, cô bé Phan Thị Dung nhà số 7 cũng được du học Na Uy. Kết thúc khóa học, Dung xin được học bổng du học ở Hoa Kỳ và Úc. Cô bé chọn nước Úc. Lúc làm thủ tục phỏng vấn, phía nước ngoài từ chối vì lý do sức khỏe Dung không tốt, có dấu hiệu của bệnh lao. Dung thất vọng khóc ngay phòng phỏng vấn.
Giám đốc Trừng thấy con buồn mà xót lòng. Ông nghĩ cách chạy qua một công ty xuất khẩu lao động nhờ tư vấn làm một bộ hồ sơ khám sức khỏe khác cho Dung. Ông thật lòng: “Nuôi con từ nhỏ, tôi biết cháu dốc sức học mấy tháng cuối nên sức khỏe suy giảm, chứ không có tiền sử bệnh lao. Nếu ba mẹ cháu còn sống, chắc cũng sẽ làm mọi cách cho con được đi học. Nghĩ vậy nên tôi đánh liều… Trước khi Dung đi, tôi và mẹ Hà đưa nó ra sân bay, dặn con khi sang tới nơi hãy nói thật cho ông hiệu trưởng biết”. Và Dung đã nhận được sự cảm thông của các thầy cô ở trường. Sau một thời gian, họ cho cháu xét nghiệm lại thì thấy sức khỏe tốt, phổi không còn tổn thương. Con bé mừng quá, email về cho cả làng biết. Hiện Phan Thị Dung đang học chương trình dự bị đại học trong khi em gái Dung, bé Phan Thị Hiền đã đỗ vào Trường ĐH Hồng Bàng, ngành đồ họa.
Tính đến nay, Làng trẻ SOS đã có 165 em đậu vào đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Hầu hết các em đến tuổi “ra làng” đều hòa nhập xã hội và có công ăn việc làm ổn định.
Bà giám đốc công ty khai thác đá
Không học giỏi xuất sắc nhưng Phan Thị Phượng, chị gái của Phan Thị Dung, lại có đầu óc nhạy bén, sắc sảo trong việc làm ăn. Đến tuổi ra làng, Phượng xin lãnh luôn một lần chế độ trợ cấp bán tự lập (theo quy định là trợ cấp cho trẻ trong 4 năm). Được 5 triệu đồng, Phượng theo chồng lên Bù Đăng lập nghiệp. Năm 2003, hai vợ chồng bỏ tiền mua 2 ha đất rừng xen ao, trong ao có rất nhiều đá mồ côi.
Gặp lúc phong trào khai thác đá tảng để xây dựng rộ lên, Phượng cho người vào đất mình chẻ đá. Có được lưng vốn kha khá, cô lập Công ty TNHH khai thác đá Hải Đăng, mua thêm xe ben, xe tải bao trọn gói từ khâu khai thác đến khâu vận chuyển đá từ Bù Đăng đi khắp nơi tiêu thụ. Đến nay, từ tay trắng, mồ côi, cô gái Phan Thị Phượng đã trở thành bà giám đốc doanh nghiệp với vốn liếng lên 5-6 tỷ đồng. Cô vẫn thường về làng thăm gia đình và góp tiền nuôi các em ăn học.
Nhìn chị em Phượng, Dung, Hiền ngày hôm nay, ít ai nghĩ rằng 3 cô bé đã từng có một tuổi thơ buồn. Ngày đó, cả gia đình các em từ Nghệ An vào Bù Đăng trồng rừng. Những cơn sốt rét ác tính đã quật ngã, cướp đi ba mẹ và bà nội. Anh trai cả ra đường ăn xin bị xe tông chết. Ngày được đưa vào làng trẻ, Phượng, Dung, Hiền đều đã nhiễm sốt rét, bé Hiền còn bị điếc…
***
Điều đáng nhớ nhất với tôi trong suốt những ngày gắn bó với từng mảnh đời trẻ thơ bất hạnh ở Làng trẻ SOS là những nụ cười. Từ nụ cười ngây ngô của những em bé 2 - 3 tuổi cho đến nụ cười đầy nghị lực của những em đã đủ lớn để hiểu được hoàn cảnh không bình thường của mình. Em nào cũng muốn đi học, muốn làm ra nhiều tiền để giúp những đứa trẻ không may. Và đã có những em đã làm được điều đó. Không có một chút hận thù, oán giận cuộc đời.
Tôi lại nhớ quyển lưu bút ngày xanh của cô gái bất hạnh người miền Trung đã mất. Trong những ngày gian nan nhất, cô đã viết cho con trai về ngôi nhà đầu tiên con ở, về cô giáo đầu tiên dạy con nói. Cô tự hỏi “Biết bao giờ con mới lớn lên và hiểu được những điều này...”. Cô gái ơi, tôi tin con trai cô sẽ lớn lên, sẽ dũng cảm và nhân hậu với cuộc đời như những mầm xanh mà tôi đã gặp.
ĐOÀN MAI HƯƠNG
Tin, bài liên quan: