Làng nghề ngắc ngoải

Bài 3: Tái cấu trúc doanh nghiệp và sản phẩm

Ngân hàng cần hỗ trợ
Bài 3: Tái cấu trúc doanh nghiệp và sản phẩm

Để tạo việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn đòi hỏi phải sớm phục hồi các làng nghề truyền thống. Nhưng để cứu các làng nghề, cần phải nới rộng chính sách tín dụng, hỗ trợ vốn cho các làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phơi lụa ở làng Vạn Phúc.

Phơi lụa ở làng Vạn Phúc.

Ngân hàng cần hỗ trợ

Theo ông An Văn Khanh, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản - đơn vị phụ trách lĩnh vực làng nghề của Bộ NN-PTNT, hiện cả nước đã có tới 4.575 làng nghề với hàng trăm loại hình sản phẩm khác nhau. Trong đó 1.324 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận.

Chính các làng nghề hiện nay đã tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn, đặc biệt có nơi thu hút tới 60% nhân lực lao động. Điều đặc biệt là nhiều năm nay, các sản phẩm do các làng nghề làm ra không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới thị trường xuất khẩu. Theo thống kê, cả nước hiện đã có tới 11 nhóm nghề chính như sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá... xuất khẩu ra khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Những năm qua, do các làng nghề phát triển thuận lợi, nên lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa gia tăng nhanh chóng. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, cả nước đã có 22.331 doanh nghiệp làng nghề đi vào hoạt động bên cạnh 894.695 hộ và cơ sở sản xuất sản phẩm làng nghề. Thế nhưng ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho rằng, hiện nay chỉ có khoảng trên 50% doanh nghiệp làng nghề còn cầm cự được, còn lại đang thoi thóp, ngưng sản xuất hoặc đã phá sản. Theo ông, trong số 22.000 doanh nghiệp giải thể tính từ đầu năm 2012 đến nay, phần lớn là doanh nghiệp ở các làng nghề.

Hầu như chủ các doanh nghiệp làng nghề khi được hỏi đều than phiền rằng, việc vay vốn quá khó khăn và lãi suất cao đã bóp chết các làng nghề truyền thống. Mặc dù thời gian gần đây, Chính phủ đang thực hiện một loạt chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn, trong đó có chính sách nới rộng vay vốn tín dụng, khoanh giãn nợ cho những doanh nghiệp còn nợ đọng ngân hàng… nhưng theo ông An Văn Khanh, doanh nghiệp làng nghề vẫn rất khó vay được vốn tín dụng. Nguyên nhân là do phần lớn tài sản của doanh nghiệp đã được thế chấp ở ngân hàng, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn hoặc thủ tục vay vốn vẫn còn rườm rà nên doanh nghiệp còn e ngại.

Bởi vậy, tình trạng phổ biến hiện nay ở nhiều làng nghề là doanh nghiệp vẫn chủ yếu phải vay mượn vốn của bà con họ hàng, thậm chí vay nóng của các tổ chức “tín dụng đen” với lãi suất rất cao để đầu tư làm ăn, nên rủi ro cũng nhiều. Mới chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp làng nghề vay được vốn ngân hàng. Khát vốn càng làm doanh nghiệp, cơ sở làng nghề loay hoay trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, sản phẩm không có đầu ra.

Do đó, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, doanh nghiệp làng nghề nói riêng hiện nay là thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng. Quỹ cũng chính là đơn vị tư vấn, hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp có thể vay vốn một cách dễ dàng.

Tự cứu mình

Ông Vũ Quốc Tuấn cho rằng, những giải pháp trên chưa đủ để vực dậy sức sống của các làng nghề, tạo sự phát triển ổn định. Đã đến lúc cần phải tái cấu trúc lại sản phẩm của các làng nghề. Theo đó, cần rà soát lại danh mục sản phẩm làng nghề để chọn lựa những sản phẩm chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu cao, có thị trường rộng để có chính sách hỗ trợ mạnh hơn. Đồng thời cũng cần tái cấu trúc cả doanh nghiệp làng nghề. Theo ông, suốt nhiều năm qua, mô hình sản xuất ở các làng nghề cả nước vẫn là theo gia đình, “hoa tay” thì nhiều nhưng khả năng nắm bắt, khai thác thị trường, đổi mới tư duy lại kém. Vì vậy để phát triển các làng nghề, cần phải đổi mới tổ chức quản lý, khắc phục lối quản lý kiểu gia đình, thiếu chiến lược kinh doanh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với việc tái cấu trúc thì việc vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị máy móc, đầu tư xử lý môi trường... phải cần được ưu tiên hàng đầu trong chính sách vay vốn ở các làng nghề.

Tuy nhiên ông Vũ Quốc Tuấn cho rằng, chỉ riêng chính sách nới rộng tín dụng, hỗ trợ đủ vốn cho doanh nghiệp, làng nghề chưa đủ mà phải đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị sản phẩm của các làng nghề thủ công truyền thống ra các nước. Ngoài ra, bản thân chủ doanh nghiệp, các làng nghề phải năng động cải tiến sản phẩm, cho ra những mẫu mã mới, chất lượng và có độ tinh xảo cao, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Văn Nguyễn


Thu hút đầu tư vào các làng nghề

Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các làng nghề, Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Theo đó, sẽ triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống như ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường cho làng nghề. Ưu tiên đầu tư vào các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, gắn phát triển làng nghề với du lịch, thực hiện chính sách ưu đãi trong thuế đất, chuyển nhượng, thế chấp, quyền về sử dụng đất. Đồng thời, sẽ áp dụng giá thuê đất ở mức thấp nhất và miễn tiền thuê đất cho các cơ sở ngành nghề nông thôn. Nhà nước cũng đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển nguồn nhân lực phục vụ bảo tồn và phát triển làng nghề. Sẽ có cơ chế hỗ trợ cho các nghệ nhân tham gia truyền nghề, chia sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình ở các làng nghề sẽ được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để đầu tư phát triển các nghề truyền thống.

Nhà nước cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các làng nghề. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển làng nghề được hưởng các ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 4-6-2010 của Chính phủ: được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên, thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế có liên quan khác. Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2015, thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp tăng từ 2-4 lần so với sản xuất thuần nông. Tỷ lệ xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ hàng năm tăng 15%-17%, đạt kim ngạch 1,5 tỷ USD. Đồng thời, giảm ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, bảo tồn 30-40 làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, Chương trình cũng đặt mục tiêu phát triển 50 - 70 làng nghề mới và làng nghề gắn với du lịch, chú trọng phát triển nghề truyền thống, làng nghề mới ở những nơi bị thu hồi đất nông nghiệp, khu vực người dân tộc thiểu số. Đến năm 2020 đạt tỷ lệ 80% lao động nông thôn được đào tạo nghề, tỷ lệ xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ hàng năm tăng 17%-20%, đạt trị giá kim ngạch xuất khẩu 2 - 2,5 tỷ USD.

V.Nguyễn

Làng nghề ngắc ngoải

- Bài 1: “Trùm mền” 

- Bài 2: Bí đường xuất ngoại

Tin cùng chuyên mục