“Bãi biển nữ hoàng” Cửa Tùng: Nguy cơ biến mất

“Bãi biển nữ hoàng” Cửa Tùng: Nguy cơ biến mất

Với mục đích bảo vệ bãi tắm, hiện đại hóa khu sản xuất nghề cá ven biển Cửa Tùng, năm 2004, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt dự án thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán các hạng mục cơ sở hạ tầng giai đoạn II công trình Khu neo đậu trú bão và hậu cần nghề cá với kinh phí trên 39 tỷ đồng. Thế nhưng, hoàn toàn trái với mục tiêu đặt ra, cứ đến mùa bão lũ, ngư dân nơi đây lại phải sống trong cảnh lo âu. Đặc biệt, bãi tắm Cửa Tùng - một tài sản vô giá của thiên nhiên đang đứng trước nguy cơ... biến mất.

Biến dạng bãi tắm

Bãi tắm Cửa Tùng dài khoảng 1.500m, kéo dài từ Đồn Biên phòng 204 đến Mũi Hầu. Bãi biển này được cấu tạo bởi dãy núi bazan nhô ra biển, những hàng phi lao xanh mướt với bãi cát trắng phẳng lì đã làm mê đắm biết bao du khách. Có lẽ vì thế, xưa kia người Pháp đã xưng tụng Cửa Tùng là “bãi biển nữ hoàng”. Thế nhưng, hiện nay bãi tắm Cửa Tùng đã bị biến dạng và có nguy cơ biến mất. Thật đau lòng khi chứng kiến những cơn sóng dữ xuất hiện ngày càng nhiều đã phá nát một phần bãi biển tuyệt đẹp này.

Ngư dân Cửa Tùng chỉ neo đậu tàu thuyền tại cảng cá khi biển lặng.

Ngư dân Cửa Tùng chỉ neo đậu tàu thuyền tại cảng cá khi biển lặng.

Đến nay, vẫn chưa có nhà khoa học hay cơ quan chức năng nào vào cuộc xác định nguyên nhân bãi tắm bị xâm thực và sạt lở. Nhưng theo kinh nghiệm của ngư dân địa phương, tình trạng trên có nguyên nhân từ Khu neo đậu trú bão và hậu cần nghề cá (KNĐTB-HCNC) Cửa Tùng.

Khi hoàn thành vào cuối năm 2005, KNĐTB-HCNC đã làm thay đổi đột ngột mối liên kết tự nhiên, gây ra những biến đổi bất lợi. Bởi, KNĐTB-HCNC Cửa Tùng có diện tích gần 100.000m² nằm sát phía bên phải của bãi tắm. Trước khi xây dựng KNĐTB-HCNC, nơi đây vốn là cái vũng khổng lồ hình vòng cung được che chắn sóng biển bằng cồn cát lớn nằm án ngữ phía trước mặt. Nhưng khi triển khai xây dựng KNĐTB-HCNC, đơn vị thi công đã huy động máy móc “ngoặm” toàn bộ 189.289m³ cát từ cồn cát, san lấp cái vũng hình vòng cung rồi... bê tông hóa.

Đặc biệt, để thuyền bè từ biển vào được cảng cá, ngoài việc nạo vét đầm ngập nước sâu 50cm - 60cm trước mặt cảng thành luồng lạch rộng 60m, dài 335m, đơn vị thực hiện là Sở Thủy sản (nay là Sở NN-PTNT) còn cho xây dựng hệ thống bờ kè ngăn cát từ biển theo gió mùa đông bắc tấn công luồng lạch dài 430m, cao trình 1,5m, rộng 6m, kết cấu bằng đá hộc và bê tông cốt thép nằm phía bờ Nam cảng cá.

Kinh phí: “Hãy đợi đấy!”

Giữa mùa du lịch, bãi tắm Cửa Tùng vẫn đìu hiu vắng khách.
Giữa mùa du lịch, bãi tắm Cửa Tùng vẫn đìu hiu vắng khách.

Mục đích chính của KNĐTB-HCNC Cửa Tùng là tạo địa điểm neo đậu an toàn cho gần 200 tàu thuyền lớn nhỏ của ngư dân khu vực vào trú ẩn khi xảy ra mưa to gió lớn. Nhưng thực tế, mỗi khi nghe thông báo bão, ngư dân lại không dám đưa tàu thuyền vào khu neo đậu vì hạ tầng nơi đây quá bất cập.

Cụ Nguyễn Thọ (66 tuổi) là người gắn bó cả đời với nghề cá tâm sự, ngày KNĐTB-HCNC Cửa Tùng khánh thành đưa vào sử dụng cờ hoa rộn ràng. Nhưng ngư dân Cửa Tùng rất buồn vì họ nhận thấy nhiều bất cập và hậu quả tai hại đang ập đến. Khu neo đậu tàu thuyền tại cảng cá nằm đối diện với cửa biển, ngay trên mũi sóng nên tác hại gây ra khó mà lường hết.

Trong khi đó, bến thuyền được xây dựng với kết cấu đá hộc, xi măng kiên cố, thiếu các phương tiện đảm bảo an toàn nên khi sóng đổ bờ, thuyền bè làm bằng gỗ va đập khiến thuyền vỡ toạc. Chỉ tính riêng trong mùa bão lũ năm 2008 đã có hàng chục tàu thuyền bị sóng đánh vỡ toạc, chìm ngay trong... khu neo đậu khiến 5 ngư dân thiệt mạng.

Trao đổi thẳng thắn với chúng tôi về những vấn đề liên quan đến KNĐTB-HCNC Cửa Tùng, ông Hoàng Đình Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, thừa nhận, bãi tắm Cửa Tùng bị xâm thực và sạt lở mạnh từ khi KNĐTB-HCNC Cửa Tùng đi vào hoạt động. Còn về nguyên nhân, ông Liêm cho biết, các cơ quan chức năng đang theo dõi, nghiên cứu để có kết luận khoa học trình UBND tỉnh.

Bờ kè bảo vệ đường dẫn tàu từ biển vào cảng cá là nguyên nhân chính gây sạt lở bãi tắm Cửa Tùng?

Bờ kè bảo vệ đường dẫn tàu từ biển vào cảng cá là nguyên nhân chính gây sạt lở bãi tắm Cửa Tùng?

Theo một số nhà chuyên môn, bãi tắm Cửa Tùng bị sạt lở có thể do tác động từ hệ thống bờ kè bảo vệ cảng cá, luồng lạch dẫn tàu từ biển vào cảng cá cũng như hệ thống dầm cột của cầu đường bộ nối xã Vĩnh Quang với xã Trung Giang qua sông Bến Hải gần biển Cửa Tùng làm thay đổi lưu lượng dòng chảy. Ngoài ra, tốc độ dòng chảy sông Bến Hải đổ ra biển Cửa Tùng không đủ mạnh để đẩy lượng bùn cát ứ đọng từ thượng nguồn trôi về cửa sông.

Để chống sự xâm thực và sạt lở bãi tắm Cửa Tùng, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng thêm một bờ kè phía Bắc cảng cá (tương tự bờ kè phía bờ Nam). Địa phương cũng đã có kế hoạch “cấp cứu” bãi tắm Cửa Tùng, nhưng khi chúng tôi hỏi bao giờ triển khai thì chỉ nhận được câu trả lời: Chưa biết, địa phương đang tìm nguồn vốn đầu tư khoảng trên 10 tỷ đồng mới bắt tay vào làm.

Chưa biết bao giờ tỉnh Quảng Trị mới tìm ra nguồn kinh phí xây dựng bờ kè phía mặt Bắc cảng cá Cửa Tùng để cứu một trong những bãi biển đẹp hàng đầu của đất nước. Trong khi đó, nguy cơ bãi tắm Cửa Tùng bị trôi tuột ra biển vào mùa mưa bão là điều khó tránh khỏi.

VŨ VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục