Ngày 8-3, phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã kết thúc sau hơn một tuần làm việc. Trong ngày làm việc cuối cùng, UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, với nội dung chính là bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu, quản chế hành chính “là một biện pháp hành chính mang tính lịch sử”, quy định đối với những người vi phạm pháp luật phương hại đến lợi ích quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Bộ Công an, từ năm 1997 đến nay, có 197 đối tượng bị đưa vào diện quản chế hành chính. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN, thực hiện cải cách tư pháp, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân, Chính phủ thấy rằng, việc áp dụng biện pháp quản chế mà thực chất là biện pháp hạn chế quyền đi lại, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc cấm làm công việc nhất định bằng một quyết định hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia đã và đang đặt ra vấn đề có tính pháp lý cần được xem xét lại.
Theo thông lệ quốc tế, việc hạn chế quyền tự do, dân chủ của công dân được thực hiện bằng một quyết định tư pháp theo trình tự, thủ tục tư pháp để cho công dân có điều kiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình thông qua tranh tụng tại tòa.
Thêm vào đó, thực tế áp dụng biện pháp quản chế hành chính thời gian qua cũng có nhiều bất cập. Vì vậy, việc bãi bỏ biện pháp này là cần thiết.
Cũng trong ngày hôm qua, UBTVQH đã cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XI của Thủ tướng Chính phủ. Theo nội dung báo cáo này (đăng trên website Chính phủ), trong giai đoạn 2002-2007, tất cả các nhiệm vụ và chỉ tiêu phát triển kinh tế đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức đề ra.
Trong đó tăng trưởng kinh tế gắn kết chặt chẽ với ổn định kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng GDP bình quân thời kỳ 2002-2007 là 7,8%. Khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng mạnh mẽ.
Từ năm 2002 đến năm 2006, đã có khoảng 170.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng bình quân mỗi năm 17%.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng: So với khả năng phát triển của đất nước và chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp.
Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa nhưng còn chậm, chưa khai thác và phát huy có hiệu quả thế mạnh trong từng ngành, từng vùng sản phẩm.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Việc chuyển quản lý các doanh nghiệp nhà nước từ cơ chế hành chính tập trung sang cơ chế thị trường còn chậm, việc sắp xếp các nông trường quốc doanh chưa có được sự chuyển biến tích cực.
BẢO MINH