Trong 2 năm 2009 và 2010, ngành nông nghiệp nước ta không ngừng chuyển mình mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập quốc nội (GDP), trong đó xuất khẩu gạo và thủy sản chiếm ưu thế hơn cả. Dù được đánh giá “được mùa”, tuy nhiên nếu nhìn nhận cụ thể vào từng ngành thì sản xuất muối và tôm cần được cân đối lại…
Hậu quả: muối... tồn kho
Năm 2009, khi tôm sú mất mùa, rớt giá, người nuôi không còn tha thiết với con tôm. Khi đó, muối đang có giá rất cao nên người dân đổ xô đi làm muối. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, vụ sản xuất muối năm 2009-2010, Bạc Liêu chuyển 1.000ha ao, đầm nuôi tôm sú sang làm muối, nâng diện tích muối của tỉnh từ 2.100 lên 3.200ha (tập trung ở các huyện Đông Hải, Hòa Bình và thị xã Bạc Liêu).
Thời điểm đó, ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và huyện Cần Giờ (TPHCM)…, cũng có hàng ngàn người nuôi tôm sú chuyển sang làm diêm dân và diện tích muối tăng lên đáng kể. Thống kê của Bộ NN-PTNT, sản xuất muối năm 2010 ước đạt sản lượng khoảng 1.200.000 tấn, tăng 50% so với năm 2009 (trong đó: muối công nghiệp đạt khoảng 240.000 tấn; muối thủ công khoảng 960.000 tấn) nên tiêu thụ muối gặp khó khăn, giá muối xuống thấp.
Việc người dân bỏ ao nuôi tôm chuyển sang làm muối khiến cung vượt cầu, áp lực tiêu thụ muối gặp rất nhiều khó khăn. Dù Chính phủ có chủ trương mua tạm trữ muối cho diêm dân, tuy nhiên, tính đến cuối năm 2010, riêng tỉnh Ninh Thuận còn 36.000 tấn muối tồn kho và giá muối thuộc vào hàng thấp nhất trong 2 năm trở lại đây (từ 500.000 đồng/tấn giảm còn 250.000 đồng/tấn). Tỉnh Bạc Liêu cũng tồn 100.000 tấn muối. Tính đến nay, cả nước còn trên dưới 300.000 tấn muối của diêm dân và doanh nghiệp chưa thể tiêu thụ được.
Khi người nuôi bỏ con tôm, lập tức vụ tôm cuối năm 2010 đầu 2011 thắng lớn. Chỉ tính riêng huyện Cần Giờ, tính đến cuối tháng 12, thu hoạch được gần 3.100 tấn tôm, với giá bán 90.000-100.000 đồng/kg (đầu năm 2011 lên đến 180.000-220.000 đồng/kg) mỗi hécta người dân thu lãi vài chục triệu đồng.
Đâu là giải pháp?
Vấn đề hiện nay là cần cân đối lại giữa muối và tôm, cần thiết chuyển những phần diện tích muối chất lượng thấp, vốn đầu tư nhiều sang hướng phát triển mới… Nhưng cũng không nên ồ ạt bỏ muối chuyển sang nuôi tôm.
Mới đây, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án “Quy hoạch sản xuất muối trên địa bàn huyện Cần Giờ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Để thực hiện, UBND TPHCM yêu cầu phải xác lập quỹ đất phục vụ sản xuất muối ổn định trên 10 năm, phù hợp với điều kiện tự nhiên để sản xuất muối, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng công nghiệp, có hiệu quả bền vững. Phải đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phục vụ cho các ngành công nghiệp. Từ đó, kéo giảm nhu cầu nhập muối phục vụ cho các ngành công nghiệp, nâng đời sống của diêm dân…
Ông Phan Văn Phận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ, cho biết, niên vụ muối năm nay, huyện sẽ cắt giảm diện tích muối đen (muối kém chất lượng), tập trung sản xuất muối trắng, có giá trị kinh tế cao. Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với thành phố quy hoạch lại diện tích muối có chất lượng, sản xuất theo hướng công nghiệp và bền vững. Chuyển phần diện tích muối kém chất lượng sang nuôi tôm… Tuy nhiên, ông Phận lo lắng: “Vấn đề sản xuất muối ổn định, bền vững cần có lộ trình dài, tốn nhiều chí phí…, nhưng nếu quyết tâm sẽ làm được”.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Để nghề muối phát triển bền vững, cần phải tổ chức quản lý một cách đồng bộ; thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã; các ngành chức năng cần hỗ trợ xúc tiến thương mại như xây dựng thương hiệu, cung cấp thông tin, tham gia các cuộc hội chợ thương mại; thực hiện nâng cấp cải tạo đồng muối, cho diêm dân vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, xây dựng kho dự trữ muối…”.
TRUNG CHÁNH