Câu chuyện khủng hoảng thừa trong ngành VLXD nói chung cũng như ngành thép, xi măng nói riêng đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, đến nay khi hậu quả nhãn tiền xảy ra, đặc biệt là đặt trong tình trạng báo động đỏ do khủng hoảng kinh tế kéo dài, bất động sản tiếp tục “ngủ đông”, trầm lắng khiến nguồn cung tồn đọng lớn, các nhà hoạch định chính sách và khối doanh nghiệp mới giật mình nhận ra và nháo nhào đi tìm giải pháp tháo gỡ. Có thể chưa muộn, song đây cũng là bài học sâu sắc về công tác quản lý cũng như tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch của ngành VLXD.
Trên thực tế, thời gian qua thị trường VLXD trong nước dư thừa do nhà nhà trong ngành đua nhau đầu tư sản xuất trong khi chưa nghiên cứu kỹ khả năng tiêu thụ của thị trường. Qua đây có thể thấy, công tác quy hoạch còn quá lỏng lẻo, dẫn đến vỡ quy hoạch toàn ngành, năng lực sản xuất dư thừa gây lãng phí đầu tư lớn đã được thể hiện rõ. Mặt khác, những mặt hàng VLXD nhập ngoại với hình thức, mẫu mã cùng giá cả cạnh tranh đã thu hẹp thị phần của thị trường trong nước. Cho nên, chỉ cần đến bất cứ cửa hàng VLXD nào cũng dễ dàng nhận thấy hàng ngoại đang chiếm áp đảo.
Đáng nói, dù tình trạng nhập khẩu tràn lan các mặt hàng VLXD ngoại nhưng hầu như những cơ quan quản lý nhà nước đành bó tay, không quản lý được khiến thị trường VLXD càng thêm méo mó, mất cân đối. Ví dụ, trong ngành thép, chiêu thức thường được các nhà nhập khẩu sử dụng là nhập khẩu thép chứa chất Bo rồi khai là thép hợp kim để hưởng thuế suất 0%. Đây là một trong những lý do khiến giá thép ngoại luôn rẻ hơn thép nội.
Trước thực trạng này, ngành thép đã có nhiều kiến nghị, đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ xuất nhập khẩu bằng việc có một hàng rào kỹ thuật. Đối với những sản phẩm nào không đạt tiêu chuẩn kiên quyết không cho nhập khẩu. Tuy nhiên, đến nay việc cho nhập khẩu loại thép trên vẫn ồ ạt tràn vào Việt Nam trước sự bất lực của cơ quan chức năng. Chưa kể, trong khi hàng trong nước luôn phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá khi xuất khẩu, ngược lại ở trong nước chưa từng có một vụ kiện chống bán phá giá nào đối với hàng nhập khẩu. Và gần như hàng nhập khẩu luôn mặc sức tung hoành trên thị trường.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong khi chờ đợi cơ quan chức năng đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp ngành VLXD cần chủ động tái cấu trúc để hình thành các tổ hợp sản xuất kinh doanh VLXD có đủ sức mạnh tài chính. Mặt khác, doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến và xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp cùng phương thức quản lý hiện đại để sản xuất kinh doanh hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu làm được điều này, sẽ giúp cho các doanh nghiệp tiến gần hơn với nhu cầu thực tế, tránh được những cuộc khủng hoảng tương tự về sau.
LẠC PHONG