Bài học nhỏ gieo tình yêu lớn…

Bài học nhỏ gieo tình yêu lớn…

Năm 2010, tôi tốt nghiệp ngành Ngữ văn với ước mơ trở thành một nhà báo. Thời gian đầu, tôi mê truyền hình hơn báo viết. Thế nên, khi anh bạn cùng phòng trao tay mẩu thông báo tuyển phóng viên của Báo Sài Gòn Giải Phóng, tôi đọc vội rồi cất vào ngăn tủ. Sau gần một tháng với nhiều đắn đo lựa chọn, tôi quyết định nộp hồ sơ vào ngày cuối cùng của hạn đăng ký, với ý nghĩ là dịp để thử sức mình. 

Phóng viên Tường Hân (bìa trái) tác nghiệp trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Ảnh:LONG THANH

Đợt phỏng vấn đó có khoảng 30 người trụ lại, được tham gia khóa đào tạo kéo dài 3 tháng. Trước chúng tôi, đã có nhiều khóa đào tạo như thế và không ít những bậc đàn anh, đàn chị đã trưởng thành, khẳng định được tên tuổi. Tiếp sau khóa đào tạo là chuyến đi thực tế kéo dài 1 tuần tại tỉnh Bình Phước, đích thân nhà báo Nguyễn Đức - một cây bút lão làng của báo dẫn đoàn. Cả lớp chúng tôi còn lại hơn 10 học viên chia làm 3 nhóm nhỏ, được điều về các đồn Biên phòng dọc biên giới. Trước khi lên đường, anh nửa đùa nửa thật: “Làm phóng viên phải biết nhậu đấy nhé. Nhưng nhậu sao vừa vui lại vừa có được thông tin mới hay, cứ khai thác mấy anh bộ đội là ra tất”. Rồi anh nghiêm mặt nói tiếp: “Nếu các bạn có cảm xúc, các bạn sẽ thấy nhiều điều hay và mới mẻ ở mỗi vùng đất mà các bạn qua. Đó là chất liệu để các bạn sáng tác. Nhưng các bạn không thể chuyển tải hết điều đó lên một bài báo được đâu. Hãy chọn cái mà các bạn thấy hay nhất, ấn tượng nhất mà khai thác”.

Chuyến đi tác nghiệp đầu đời, với tôi mọi thứ đều mới mẻ. Trời biên giới trong xanh và sâu thăm thẳm. Lọt thỏm giữa cánh rừng bạt ngàn là những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, sình lầy quánh đặc. Từ đồn tỏa đến các làng bản là những câu chuyện đầy xúc cảm về những thầy giáo mang quân hàm xanh, về những già làng, trưởng ấp hiến đất xây trường, về những em bé nhọc nhằn đến lớp với đôi chân trần rướm máu… Chọn ai, bỏ cái gì cũng thật khó.

Sau chuyến đi ấy ai cũng “thủ” sẵn cho mình bài viết làm vốn. Còn tôi, tôi ấn tượng nhiều hơn với Già làng Lâm Cốp. Không chỉ san đất lập bản làng, ông còn hiến đất, bỏ tiền xây trường cho trẻ con học thêm con chữ giữa sóc Cây Me.

Đọc xong bài viết, anh Nguyễn Đức trầm ngâm hồi lâu rồi nói: “Chọn được đề tài để viết là tốt. Nhưng cách tái hiện nó quan trọng lắm đó. Bạn đọc thích thú nhân vật đã đành, nhưng họ muốn thấy từ bài viết tác giả đã đi và trải nghiệm như thế nào. Để họ tin những điều họ đọc có thật hay không…”. Anh không chê, nhưng tôi biết cách viết của mình cần phải chỉnh sửa. Và chỉnh sửa thế nào, anh cũng đã gợi ý rồi đấy thôi. Cũng phải mất 2 lần chỉnh sửa, cuối cùng bài phóng sự dài đến 1.700 chữ  “Già làng sóc Cây Me” cũng được đăng vào số báo cuối tuần.

Kết thúc khóa đào tạo, chúng tôi còn được đưa về các ban tập sự thêm gần 1 năm trước khi được ký hợp đồng làm phóng viên chính thức. Từ những bài học, những trải nghiệm trên, tôi đã yêu báo viết và lựa chọn cho nghề nghiệp của mình. Những bài học nhỏ đầu tiên đó đã gieo tình yêu lớn trong tôi.

TƯỜNG HÂN
(Đảng viên trẻ, phóng viên Ban Khoa giáo Báo SGGP)

Tin cùng chuyên mục