Thời gian qua, Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bảo Thư (Công ty Bảo Thư) và Công ty TNHH Thành Trung (Công ty Thành Trung) liên tục đưa máy móc băm nát những cánh rừng xanh ở xã Quảng Sơn, Quảng Hòa, Đắc R’măng (huyện Đắc G’long, Đắc Nông) và một số vùng giáp ranh với huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Mặc dù chỉ mới được giao phổ tra vàng nhưng 2 công ty này đã cho công nhân cày xới nhiều cánh rừng phòng hộ làm sông suối bị ô nhiễm và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương.
Khốn khổ vì ô nhiễm...
Cùng một cán bộ xã Quảng Hòa, chúng tôi vượt hơn 25km đường rừng lầy lội từ trung tâm xã tới bãi vàng do Công ty Bảo Thư (có trụ sở tại thị xã Lagi, Bình Thuận) và Công ty Thành Trung (ở huyện Krông Nô, Đắc Nông) đang khai thác. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là hàng chục hécta rừng bị máy ủi, máy múc tàn phá. Lán trại mọc lên lổm nhổm như nấm sau mưa. Suối Đắc R’măng, Đắc N’ting, sông Krông Nô… đặc quánh bùn đất. Lần theo con suối Đắc R’măng, chúng tôi về những xóm thôn đang ngày đêm phải khốn khổ vì dòng nước ô nhiễm. Ông Vàng A Thình (xã Đắc R’măng) bức xúc: “Trước đây những con suối chảy qua xã luôn trong xanh, nhưng gần đây việc khai thác vàng đã khiến dòng nước ô nhiễm nặng. Người tắm bị ghẻ lở, nổi ngứa, uống vào bị ngộ độc. Cá, tôm chết chẳng sót con nào…”.
Tại xã Quảng Hòa, mức độ ô nhiễm còn nặng hơn khi các con suối dẫn theo hóa chất ở xã Quảng Sơn và Đắc R’măng đổ về đây. Ông Lê Viết Sinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, cho biết: “Hơn 500 hộ dân trong xã lấy nước từ suối Đắc R’măng và sông Krông Nô để sinh hoạt, sản xuất, nhưng nguồn nước đã nhiễm thủy ngân từ trên đổ về nên dân ở đây chịu khát”.
Hành hung cán bộ
Vào sáng 7-7, đoàn cán bộ xã Quảng Hòa gồm 33 người do ông Nguyễn Văn Thụy, Phó Chủ tịch UBND xã và ông Mai Văn Ninh, Phó Trưởng công an xã, dẫn đầu đi kiểm tra tại khu vực khai thác vàng của Công ty Thành Trung đã bị hơn 40 đối tượng mang đủ loại hung khí vây kín, hăm dọa. Một tên đầu sỏ vung mã tấu quát lớn: “Đây là vùng đất UBND tỉnh đã giao cho chúng tôi khai thác, bất cứ ai cũng không được đặt chân tới!”. Sau đó, hơn 40 đối tượng xông vào xô xát với đoàn cán bộ xã. Trong lúc hỗn loạn, anh Ninh và anh Thụy bị nhóm côn đồ dùng gậy đánh trọng thương. 5 cán bộ chủ chốt của xã (trong đó có anh Ninh và anh Thụy) bị bắt làm con tin. Đến khoảng 10 giờ, một cán bộ xã thoát ra ngoài, điện báo cho Công an huyện Đắc G’long đưa lực lượng vào giải cứu. Mãi đến 16 giờ chiều cùng ngày, công an huyện mới vào tới nơi và sau hơn 4 giờ thương lượng với “vàng tặc”, 5 cán bộ này mới được thả.
Trước đó một ngày, người của Công ty Thành Trung cũng đặt 2 quả mìn ở cửa hầm của một lán đãi vàng của người dân định châm ngòi đốt, khi đó có 3 người đang đào bới quặng trong hầm. Những người dân bên ngoài giằng co không cho họ châm lửa và hét toáng lên để những người trong hầm chui ra. Khi 3 người vừa chui ra khỏi hầm, hai tiếng nổ chát chúa làm cả khối đất lớn tại miệng hầm sập xuống. Không những thế, người của công ty này còn đuổi đánh những người dân đào vàng làm anh Nguyễn Văn Khánh bị gãy 4 chiếc răng, ngực bị chấn thương nặng phải đi bệnh viện cấp cứu. Khi anh Nguyễn Văn Sơn, Phó Công an xã Quảng Hòa và công an viên Đinh Sỹ Long vào lập biên bản vụ việc cũng bị người của Công ty Bảo Thư hăm dọa. Hai anh phải băng rừng chạy về để bảo toàn tính mạng. Nhưng lạ thay, Công an huyện Đắc G’long không bắt giữ nhóm “côn đồ” uy hiếp, đánh đập và giam giữ người thi hành công vụ để điều tra, xử lý.
Nương tay “vàng tặc”?
Theo ông Lê Viết Sinh, gần đây các đối tượng khai thác vàng dựng hơn 40 lán trại tại các bãi vàng, đưa vào 13 máy múc và hàng trăm người tới khai thác. Riêng Công ty Thành Trung có tới 160 người từ các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam… vào đây khai thác vàng. Mặt khác, vào ngày 5-5, Công ty Bảo Thư lại ký hợp đồng không số với Công ty Thành Trung cho phép đơn vị này làm nhiệm vụ phổ tra quặng vàng, trong khi công ty này không có giấy phép phổ tra quặng vàng.
Không những thế, 2 Công ty Bảo Thư và Thành Trung còn chuyển nhượng trái phép đất rừng cho các đối tượng khai thác vàng trái phép. Trong đợt thanh tra vừa qua, Phòng TN-MT huyện Đắc G’long đã thu thập được nhiều bằng chứng về việc Công ty Thành Trung đã chuyển nhượng đất rừng cho nhiều đối tượng khai thác vàng trái phép.
Trong bản tường trình của ông Phạm Văn Lệ (ở thôn 5, xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông, Lâm Đồng), hiện đang khai thác vàng tại xã Quảng Hòa, ghi rõ: “Tôi và Công ty Thành Trung đã thỏa thuận nếu làm có vàng thì công ty sẽ bán đất cho tôi để làm vàng với số tiền 50 triệu đồng/năm”. Còn ông Lê Văn Hoàng (ở xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) cũng đang khai thác tại các bãi vàng trên danh nghĩa hợp đồng với Công ty Thành Trung 4 triệu đồng/tháng. Trong một bản tường trình khác của ông Đinh Văn Dũng (ở xã Quảng Hòa) cũng cho biết: “Tôi có thỏa thuận miệng với Công ty Thành Trung được khai thác tại bãi vàng và phải đóng cho công ty 4 triệu đồng/tháng”. Với những sai phạm như thế, chẳng thấy cơ quan chức năng xử lý và đình chỉ hoạt động khai thác vàng của Công ty Thành Trung?
Ngoài lạm dụng việc phổ tra lấy mẫu quặng, khoanh vùng diện tích có quặng để cấu kết với nhiều nhóm đối tượng khai thác vàng trái phép, 2 công ty Thành Trung và Bảo Thư đã chiếm dụng nhiều diện tích đất rừng của Công ty MDF Long Việt, Công ty Giấy Tân Mai, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quảng Sơn và gây mất trật tự xã hội, hủy hoại môi trường. Ông Đàm Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Đắc G’long, trần tình: “Việc khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện đã trở thành một vấn nạn từ nhiều năm qua, UBND huyện đã nhiều lần chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, truy quét các điểm đào đãi vàng trái phép nhưng vẫn chưa thể dẹp yên. Vì vậy, huyện đã báo cáo tình hình lên UBND tỉnh xin phép ý kiến chỉ đạo giải quyết”. Như vậy, bao giờ huyện Đắc G’long mới xử lý được “vàng tặc” đang băm nát những cánh rừng xanh?
CÔNG HOAN