Bạn cũ

Bạn cũ

Tất cả mọi thứ trên đời, cái gì mới rồi cũng trở thành cũ. Có ngạn ngữ nước ngoài ngày xưa rằng “Đồ vật tốt khi mới, bạn bè tốt khi cũ”. Nhưng lại cũng giống như mọi thứ trên đời, ngạn ngữ này nếu được coi như một cẩm nang có tính vật thể thì nó cũng đã “cũ” rồi. Nhiều đồ vật ngày nay tỏ ra “xấu” ngay từ lúc vừa có mặt trên thị trường. Và cũng tương tự như thế, vài bạn tốt ngày xưa nay đã không thể nhìn mặt nhau.

Như thế nào thì được gọi là bạn cũ? Khi về già ta ngồi nhẩm đếm mà không sao nhớ hết được. Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội những năm 1950 của thế kỷ trước có ít nhất 10 năm học phổ thông. Lại có thêm 4 hoặc 5 năm học đại học. Chỉ ngần ấy thôi đã có biết bao nhiêu là bạn. Hơn thế nữa, lũ trẻ ấy ngày xưa sơ tán về các vùng thôn quê lại có thêm rất nhiều bạn ở đấy. Những đứa bạn đã từng chia sẻ cho nhau mẩu bánh mì, hạt bắp rang, củ khoai nướng trong những năm đói khổ loạn lạc. Giờ chẳng thể biết chúng tốt xấu thế nào. Gặp cũng không. Nhớ về nhau chỉ êm đềm như thế. Về lại làng thấy vài đứa tóc trắng, râu bạc ngồi trong mâm cỗ hể hả mày tao kể những chuyện trộm cắp vặt quả mít, quả na nghĩ cũng sượng sùng. Cười như mếu.

Đám bạn bè phổ thông vài năm nay có phong trào họp lớp. Sang trọng thì in thiệp mời, đặt tiệc ở nhà hàng lớn. Thường thì những lớp như thế phải có vài quan chức đủ độ khệnh khạng và nhiều tiền. Đặc biệt đám này thích họp lớp cũ. Điệu bộ đi đứng nói năng ở đấy cứ như ngầm thông báo với cả lớp rằng “Ngày xưa tao học hành thế đấy mà có sao đâu. Giờ vẫn như thế này đây!”. Nhưng đám này không bền. Chẳng có đứa nào khi về hưu còn đứng ra tổ chức họp lớp nữa. Cứ như họp lớp cũng nằm trong quy định hưu trí của nhà nước.

Đám bạn nghèo hơn, chẳng chức quyền gì thì chọn quán bia hơi vỉa hè. Lớp trưởng cũ gửi đi một tin nhắn qua điện thoại cho cả lớp thông báo thời gian địa điểm. Dòng cuối cùng thường có chú thích rõ ràng “Kinh phí dưa góp”. Lũ bạn này có vẻ bền vững tụ tập hơn đám quan chức. Đại khái chỉ khi anh nào yếu mệt mới thoái thác. Đàn bà con gái ngồi uống xong tiệc chính phần lớn ra về. Đàn ông và vài chị nhàn rỗi kéo nhau đi làm mấy bài karaoke. Hát lại những ca khúc thời chiến tranh đầy hào hứng sôi nổi bằng chất giọng phều phào năm tháng. Lối họp lớp này đôi khi còn có mặt cả vài vợ chồng cái con của họ. Vợ chồng đấy mà cũng là bạn học ngày xưa. Nhưng kể ra thì cũng nhạt chuyện. Đứa nào lần gặp đầu tiên cho đến lần họp lớp thứ n thì cũng vẫn làm một công việc thôi. Đừng hỏi han gì thêm. Vẫn ngần ấy con chỉ thêm ra vài đứa cháu trong những lần sau. Hiếm có thêm vợ mới chồng mới. Và hoạn lộ thì hình như cũng dừng lại ngay từ lần đầu tiên họp lớp.

Thật lạ là đô thị với nét đặc trưng cơ bản là công chức thì tình bạn cơ quan ở Hà Nội lại là của hiếm. Người cơ quan này chơi với người cơ quan kia thì dĩ nhiên đầy. Nhưng cùng một cơ quan thể nào cũng có nhiều e ngại. Thậm chí là bạn học trước khi vào cùng cơ quan với nhau cũng không ngoại lệ. Bạn cơ quan được hiểu theo nghĩa là thỉnh thoảng có tiền tập thể sẽ tổ chức liên hoan. Có thể tổ chức cả những tour du lịch xa thành phố. Thế nhưng, khoảng cách là có thể dễ dàng nhận thấy.  Có thể làm việc với nhau suốt đời đến tận lúc về hưu mới khẳng định được vài người bạn chính thức. Nhưng hưu rồi mà cùng kéo nhau đi xin việc nơi khác thì cũng chưa chắc. Lại chỉ như đổi cơ quan mà thôi. Bạn vẫn là bạn cơ quan.

Mỗi người có thời gian trung bình làm việc khoảng 30 năm ở cơ quan đoàn thể. Vậy mà rất hiếm hoi những tình bạn hưu trí còn duy trì được lâu dài.

Bạn cũ ở lính ngày xưa có lẽ là tình bạn bền chặt hơn cả. Dù rằng giải ngũ mỗi người một việc tản mát bốn phương thì khi gặp lại cũng đầy mến thương xúc động. Thế nhưng, hình như chuyện này chỉ đúng với đám lính trơn nghĩa vụ. Những người lính ở cấp bậc thấp trong quân đội và thời gian chiến đấu bên nhau cũng chẳng lấy gì làm dài.

Tuổi tác càng cao bạn bè càng ít. Dĩ nhiên thế. Không chỉ bạn bè lần lượt ra đi mà đôi khi lúc có thì giờ ngẫm lại cũng muốn bơn bớt những ràng buộc mông lung để chuẩn bị đến lượt mình. Bạn cũ đến mức này thường chơi với nhau theo cách rất lạ. Nghĩ về nhau là đủ.

Cuối cùng thì chẳng lẽ không có nổi một khái niệm cho tình bạn thời hiện đại? Đúng thế. Chỉ có thể tự viết cho mình một châm ngôn mà thôi: “Bạn nào thì cũng tốt cho đến lúc xấu!”.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục