
6 năm trước khi nông dân nuôi tôm sú ở bán đảo Cà Mau trúng đậm, các ngân hàng hớn hở đề nghị tăng định mức cho vay nuôi tôm. Nhưng nay, con tôm sú “thoái trào”, nông dân nợ ngập đầu…
- Ôm nợ !?

Tình trạng đất nuôi tôm đang bị “bỏ hoang” và nông dân không còn khả năng tái đầu tư nuôi tôm tại vùng bán đảo Cà Mau thật đáng báo động. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 90% sổ đỏ của nông dân nuôi tôm sú đang được thế chấp ở các ngân hàng. Xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu - nơi nổi tiếng là vùng nuôi tôm sú công nghiệp hiệu quả nhất với 1.100/3.700ha thì nay trở thành “điển hình thiếu nợ” vì nuôi tôm sú.
Ông Lưu Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hậu A trầm ngâm: “Đến nay, chỉ có khoảng 300 hộ cải tạo ao hồ và bắt đầu thả nuôi với diện tích chưa tới 700ha theo hình thức thả lang (không cho ăn), hơn 2.000ha còn lại đang… bỏ “trống” vì nông dân quá nghèo, nợ ngập đầu, không có tiền đầu tư. Hiện tại, số nông dân không cầm sổ đỏ trong xã đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết cán bộ từ xã đến ấp đều mắc nợ ngân hàng. Từ năm 2004 đến cuối năm 2007, cán bộ và nông dân nuôi tôm trong xã vay nợ các ngân hàng gần 170 tỷ đồng nhưng đến nay mới trả được hơn 100 tỷ đồng. Trong số nợ còn lại, nợ quá hạn chiếm khoảng 60%.
- Thủy lợi, con giống đều… kém
Nghịch lý rất lớn tồn tại hơn 10 năm tại vùng chuyển dịch nuôi trồng thủy sản tại bán đảo Cà Mau là chưa có một hệ thống hạ tầng thủy lợi hoàn chỉnh.
Ông Nguyễn Thông Nhận - Phó Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau, cho biết: “Nhiều năm qua, từ sau chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, năm nào con tôm cũng xảy ra dịch bệnh bị chết - hiện nay toàn tỉnh có hơn 30.000 tôm sú chết hàng loạt. Chúng tôi đã tìm được nguyên nhân: Ngoài vấn đề kỹ thuật, con giống, thời tiết thì hệ thống thủy lợi còn quá yếu kém (từ hệ thống thủy nông nội đồng đến hệ thống thủy lợi chung) cũng là nguyên nhân rất quan trọng.
Nhu cầu vốn để hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi tôm 250.000ha tại Cà Mau cần hơn 2.000 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ mới đầu tư 190,5 tỷ đồng, trong đó có số tiền dùng làm đê biển Đông”. Ngoài ra, để tập huấn cho 135.000 hộ nông dân nuôi tôm cần khoảng 135 tỷ đồng nhưng ngành thủy sản Cà Mau không có tiền nên đang “bó tay”.
Bên cạnh đó, nguyên nhân không kém phần quan trọng làm con tôm thất bát là chất lượng tôm giống rất kém. Trên thị trường, tôm giống chất lượng cao đã qua kiểm nghiệm chiếm chưa tới 40%. Trong vùng bán đảo Cà Mau không có địa phương nào đủ khả năng cung ứng tôm giống nên đa phần phải sử dụng tôm giống từ địa phương khác nên chất lượng không đảm bảo...
- Lúng túng trước tôm thẻ chân trắng
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại bán đảo Cà Mau lo ngại trước việc thị phần tôm sú giảm mạnh do ảnh hưởng của việc ào ạt tăng sản lượng xuất khẩu tôm thẻ chân trắng từ các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan… Đây thật sự là mối nguy lớn cho con tôm sú Việt Nam nói chung và bán đảo Cà Mau nói riêng. Hiện nay, dù Bộ NN-PTNT chính thức cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng tại bán đảo Cà Mau nhưng với điều kiện thực tế, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền và ngành thủy sản các địa phương và nông dân chưa thật sự chủ động trong việc nuôi tôm thẻ chân trắng.
Ông Huỳnh Quốc Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Tôm thẻ chân trắng có nhiều ưu điểm như năng suất cao, chi phí thấp... nhưng cũng rất nguy hiểm khi bệnh taura (do virus gây nên, chưa có thuốc trị) xảy ra có thể lây lan thành dịch sang tôm sú, tôm bản địa, tôm càng…”. Ông Khởi còn cho biết: “Nói việc nuôi tôm thẻ chân trắng để xóa đói giảm nghèo thì không đúng vì phí đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng rất cao, 300-400 triệu đồng/ha. Với số tiền này, nông dân nghèo thì không thể kham nổi.
Nếu nuôi đại trà tôm thẻ chân trắng vào thời điểm này thì không thể an tâm bởi vì năng lực của người dân chưa có”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một vấn đề hết sức quan trọng quyết định thành công của tôm thẻ chân trắng là con giống. Nhưng hiện tại ở bán đảo Cà Mau, giống tôm thẻ chân trắng chủ yếu là nhập. Hệ thống thủy lợi yếu kém như hiện nay thì nguy cơ ô nhiễm môi trường từ tôm thẻ chân trắng là rất cao, vì việc xả chất thải từ nuôi tôm thẻ chân trắng ra môi trường cao gấp 4 đến 5 lần so với tôm sú. Chính vì những lẽ đó mà nhiều chuyên gia khẳng định: “Nuôi tôm thẻ chân trắng đại trà khó bền vững được”.
Bình Đại