Ngày 15-3, dàn nhạc giao hưởng Unhasu của CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) có buổi biểu diễn lần đầu tiên tại Paris (Pháp), một hoạt động được hãng tin AFP gọi là chiến thắng ngoại giao bằng “âm nhạc không biên giới”.
Buổi hòa nhạc gia đình
Các nhạc công Triều Tiên cùng dàn giao hưởng Philharmonic của Đài truyền thanh Pháp dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Hàn Quốc Myung-Whun Chung đã trình diễn các bản hòa tấu trong chương trình mà ông Chung gọi là “buổi hòa nhạc gia đình”.
Cùng Estonia, Pháp không có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Tuy nhiên, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời tháng 12-2011, Triều Tiên đang thay đổi. Mới đây nhất, Triều Tiên tuyên bố tạm ngừng chương trình làm giàu uranium, chấp nhận các thanh sát viên Cơ quan Nguyên tử quốc tế (IAEA) đến thanh tra cơ sở hạt nhân của nước này. Đổi lại, Mỹ sẽ viện trợ lương thực cho Triều Tiên. Trước đó, hãng tin AP của Mỹ trở thành hãng tin nước ngoài đầu tiên có mặt tại Triều Tiên khi được đặt văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng. Mùa thu năm ngoái, cơ quan hợp tác của Pháp cũng đã đặt văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng nhằm phục vụ công tác trao đổi văn hóa và nhân đạo. Hồi đầu tháng 3, Nhật Bản cũng đánh giá cao nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Triều Tiên - Nhật Bản khi giới chức Triều Tiên mời khoảng 60 chính trị gia và các nhà hoạt động Nhật Bản sang dự kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Những chuyển động tích cực của Triều Tiên khiến thế giới hy vọng một ngày hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên đang chuyển động.
Ngoại giao taekwondo
Theo Đài tiếng nói nước Nga, một loạt chương trình giao lưu văn hóa Mỹ-Triều Tiên sẽ được xúc tiến trong thời gian tới. Cuộc triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành dự kiến được tổ chức vào tháng 4 tới tại New York (Mỹ). Dàn nhạc Unhasu cũng sẽ có chuyến lưu diễn tới Mỹ vào tháng 5. Chương trình biểu diễn của các võ sư taekwondo, điểm sáng của nền thể thao Triều Tiên, dự kiến diễn ra vào tháng 6.
Giới phân tích chính trị nhận định Triều Tiên và Mỹ đã quyết định giảm căng thẳng để theo đuổi các mục tiêu của mình. Ông Alexandr Zhebin, Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông, nói: “Đối với Triều Tiên, điều quan trọng nhất là đảm bảo điều kiện hòa bình, thuận lợi cho việc chuyển giao quyền lực, tiến hành lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành vào ngày 15-4”.
Trong khi đó, Mỹ mong muốn bán đảo Triều Tiên thôi “ăn miếng, trả miếng” để tập trung vào các mục tiêu khác. Không phải vô cớ khi xuất hiện vai trò của ông Henry Kissinger, tác giả chiến thuật “ngoại giao bóng bàn” áp dụng với Trung Quốc trong những năm 1970. Tại Washington, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Lee Yong Ho đã có cuộc gặp với ông Kissinger, đồng thời có lời mời ông tới Bình Nhưỡng với vai trò trung gian nhằm thiết lập quan hệ Mỹ - Triều Tiên. Ông Zhebin nhận định: “Người Mỹ đang cố gắng khẳng định vị trí của họ ở Triều Tiên, không phải bằng áp lực vũ lực trực tiếp mà bằng con đường mềm mỏng”.
“Ngoại giao taekwondo” là những dấu hiệu đầu tiên, tuy dè dặt nhưng báo hiệu “mùa xuân chính trị” đang về trên bán đảo Triều Tiên. Tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Seoul lần thứ 2 dự kiến tổ chức vào năm 2013, không loại trừ khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm khu phi quân sự ngăn cách 2 miền Triều Tiên. Người dân Hàn Quốc sẽ nhìn nhận động thái này như biểu tượng sức mạnh liên minh giữa Hàn Quốc và Mỹ. Còn đối với Bình Nhưỡng, họ muốn nhìn thấy việc Washington ngầm thừa nhận thực tế mới trên bán đảo Triều Tiên kể từ sau cuộc chiến tranh liên Triều. Việc công nhận chủ quyền của Triều Tiên là mục tiêu chính của chính sách “ngoại giao taekwondo”.
Đỗ Văn (Tổng hợp)