Bạn đọc đặt câu hỏi

LÊ TRUNG HOA:

Hỏi: Phải chăng địa danh Bến Nghé (TPHCM) bắt nguồn từ tiếng kêu của các con cá sấu sống nơi bến này? Lê Trọng Phú (Vĩnh Cửu, Đồng Nai)

LÊ TRUNG HOA: Bến Nghé vốn là tên một cái bến nằm ở ngã ba nơi con kinh Chợ Lớn đổ ra sông Sài Gòn. Sau đó, Bến Nghé dùng để chỉ con kinh Chợ Lớn và để chỉ cả thành Gia Định hay Sài Gòn. Trong bài Chạy Tây, Nguyễn Đình Chiểu đã dùng địa danh trên để chỉ thành Gia Định:

Bến Nghé của tiền tan bọt nước;

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

Bến Nghé được viết bằng chữ quốc ngữ xuất hiện lần đầu tiên trong một bản viết tay do Launay (1) sưu tầm: Ben-ghe. Đây là cách viết của một người phương Tây nên có lẽ đã sai lạc vì hiện tượng này rất phổ biến.

Có hai ý kiến giải thích nguồn gốc địa danh này. Ý kiến thứ nhất cho rằng Bến Nghé phát sinh từ việc ở bến này, người ta thường cho trâu, bò xuống tắm (2). Ý kiến thứ hai cho rằng sở dĩ gọi là Bến Nghé vì nơi này có cá sấu, thường kêu lên như tiếng nghé. Trong Đại Nam quốc âm tự vị, Huỳnh Tịnh Của ghi nhận cả hai ý kiến và cho rằng “không lấy đâu làm chắc”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ý kiến thứ nhất có khả năng thuyết phục hơn.

Trước hết, từ nghé chưa bao giờ được dùng một mình để chỉ con cá sấu hay tiếng kêu của chúng mà chỉ để gọi con trâu con hay bò con. Tứ nghé ngọ mới được dùng để chỉ tiếng kêu của trâu con, bò con hay cá sấu (3). Nhưng từ này không phổ biến lắm nên chỉ có Génibrel ghi lại, còn Taberd (4) và Huỳnh Tịnh Của thì bỏ qua.

Kế đến, cách cấu tạo “Bến + tên thú” tương đối phổ biến, như rạch Bến Ngựa (Nhà Bè), rạch Bến Tượng (Sông Bé); còn “Bến + tiếng kêu” thì hầu như không có. Trên sông Chanh ở tỉnh Quảng Ninh cũng có địa danh Bến Nghé (5), có lẽ Nghé ở đây cũng là trâu, bò con. Vả lại, cách cấu tạo địa danh “Tên địa hình + tên thú” cũng phổ biến: ấp Bàu Nai (quận 12), ấp Bàu Trâu (Củ Chi).

Mặt khác, theo tác giả (khuyết danh) Gia Định phú (bài 2, tức Gia Định thất thủ vịnh), Bến Nghé được gọi là Bến Trâu:

Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt bến Trâu;

Dây thép giăng chớp nháng đất nghìn trùng, ngã xiêu thành Phụng.

Qua phép đối trong hai câu này (bến Trâu – thành Phụng), cũng như trong hai câu thơ trên của Nguyễn Đình Chiểu (Bến Nghé – Đồng Nai), ta thấy rõ ràng nghé được hiểu là chỉ một con thú – con trâu.

Ngoài ra, theo Malleret (6), người Khmer gọi Bến Nghé là Kas Krobey. Chưa rõ Kas là gì, nhưng Krobey là con trâu. Theo tư liệu của Trương Vĩnh Ký (7), người Khmer gọi Bến Nghé là Kompong Kon Krobey. Kompong là Bến; Kon Krobey là con trâu.

Khi dịch ra chữ Hán, các cụ đã gọi Bến Nghé là Ngưu Tân (8) hay Ngưu Chử (9) và rạch Bến Nghé là Ngưu Giang (10). Tân, Chử là bến; Ngưu là trâu.

Như vậy, rõ ràng theo cách hiểu của người Việt xưa và so sánh với cách gọi của người Khmer xưa, nghé đều chỉ con trâu, chứ không phải là tiếng kêu của con cá sấu.

(1) Launay, A., Histoire de la mission de la cochinchine 1658-1728, Documents his – toriques I, Maisouneuve Frères, Paris, 1924.

(2) Trong Dictionnaire annamite-français, Gé-nibrel dịch nghé là veau, buffletin, tức bò con, trâu con. Cách hiểu nghé là bò con ở miền Trung (cụ thể là ở Quảng Ngãi) vẫn còn.

(3) Génibrel dịch nghé ngọ là cri du veau, cri du crocodile (tiếng kêu của nghé, tiếng kêu của con cá sấu).

(4) Taberd, Dictionarium annamitico – Latinum, Serampore, 1838.

(5) Lê Văn Đức, Việt Nam tự điển, Sài Gòn, Nhà sách Khai Trí, 1970.

(6) Malleret, L., L’archéologie di delta du Mékong, tome IV, Le Cibassac, Publ. EFEO, Paris, 1963.

(7) Lê Hương, Người Việt gốc Miên, Sài Gòn, 1969.

(8) Trịnh Hoài Đức có bài Ngưu Tân ngư địch (tiếng sáo câu cá ở Bến Nghé).

(9) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, tập thượng, quyển 1, tờ 289, 29a.

(10) Phạm Duy Thiệu có bài Ký Ngưu Giang chư hữu (Gửi các bạn ở Bến Nghé).

Tin cùng chuyên mục