Tối nay 27-9, tại Nhạc viện TPHCM, tác phẩm Bản giao hưởng số 9 “Cửu Long dậy sóng” của GS-TS nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam sẽ lần đầu tiên công diễn, giới thiệu đến khán giả những giai điệu âm nhạc giao hưởng mang đậm chất tự tình về quê hương miền Tây Nam bộ.
Cả cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của GS-TS nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam bị quyến rũ bởi âm nhạc truyền thống dân tộc. Ông yêu và thuộc nằm lòng những câu hò, điệu lý, khúc hát dân ca các vùng miền Tổ quốc, thế nên trong hầu hết các tác phẩm của ông từ những bản giao hưởng hoành tráng đến những tổ khúc, hợp xướng, nhạc thính phòng… người nghe đều cảm nhận được chất dân tộc Việt rất ấn tượng, đẹp và độc đáo, được chuyển tải, thể hiện trong từng cung bậc và giai điệu âm nhạc giàu xúc cảm. Đặc biệt, trong 5 năm từ 2008 đến 2012, ông đã đau đáu, trăn trở, tâm tư để hoàn thành xong tác phẩm giao hưởng số 9 Cửu Long dậy sóng - một trong những tác phẩm tâm đắc nhất trong cuộc đời sáng tác khí nhạc của ông.
GS-TS nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam xúc động chia sẻ: “Bản giao hưởng số 9 Cửu Long dậy sóng chuyển tải những giai điệu âm nhạc chất đầy sự biết ơn, tri ân sâu sắc của tôi với quê hương, với đấng sinh thành và những con người đồng bằng Nam bộ chân chất, nghĩa tình, với thầy cô, bạn bè ở cả hai miền Nam - Bắc và ở Nga - đã dìu dắt, che chở, dưỡng nuôi và tạo cho tôi những điều kiện để sống, học tập, làm việc, sáng tác. Tác phẩm này là một trong những tác phẩm viết dài thời gian nhất, với hơn 260 trang tổng phổ, có đại hợp xướng trong chương cuối. Việc hoàn thành tác phẩm là niềm vui mừng và hạnh phúc, nhưng phần thưởng quý giá hơn nữa với tôi chính là tác phẩm được anh em nghệ sĩ, nhạc sĩ dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện TPHCM tập luyện và thể hiện, phục vụ khán giả trong chương trình tối 27-9, chương trình do nhạc trưởng Adrian Tan CheeKang người Singapore cùng Dàn nhạc Saigon Philharmonic biểu diễn”.
Trong mỗi chương GS-TS nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đều có viết tiêu đề để dẫn dắt khán giả dễ dàng cảm nhận từng cung bậc xúc cảm của âm nhạc. Trong đó, chương 1 ông đã trích phổ từ bài thơ Dòng sông tuổi nhỏ của nhà thơ Lê Anh Xuân: Dòng sông tuổi nhỏ. Mấy nhịp cầu ngang. Mẹ dắt ta sang. Giữa mùa nước rong mênh mông. Nước ròng mẹ đi xúc cá. Ta đi theo mẹ. Chân lún trong phù sa. Dòng sông tuổi nhỏ. Sóng lao xao. Ôi! Những chiếc thuyền mo cau. Đã chở tuổi thơ ra biển cả… Những hồi ức đẹp về nơi chôn nhau cắt rốn, những ký ức tình cảm sâu sắc về người mẹ và lời ru của mẹ ấy đã tạo dựng nên một bức tranh quê hương thanh bình, qua chương 2 Bức tranh thiên nhiên: Trên cây bầy chim non ríu rít, dưới nước lũ cá lội tung tăng, hoa lục bình nghiêng nghiêng sóng vỗ, nhịp chèo em gái rộn dòng sông.
Tình cảm dành cho quê hương, đất nước ấy còn được thể hiện trong chương 3 Đêm trăng Tháp Mười mà GS-TS nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam tâm đắc, như một bản tình ca: Đêm trăng Tháp Mười mùa nước nổi, thuyền vẫn đua lũ lượt cùng tôm cá, xa tít chân trời nước rộng mênh mông, nhớ xưa có cô du kích nở nụ cười rạng rỡ, mừng chiến công vang dội khắp các dòng sông. Đặc biệt nhất là chương 4 Cửu Long cuộn sóng dâng trào: Cửu Long cuộn sóng dâng trào. Ngàn năm nước vẫn xuôi ra biển cả. Chở phù sa đầy ắp chín dòng sông. Cho vườn cây bốn mùa trĩu quả. Cho đồng lúa rực rỡ vàng tươi. Ôi! Chín nhánh sông yêu. Đã tạc ghi sử xanh hiển hách…
THÚY BÌNH