Hỏi: Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta được soạn thảo và được Quốc hội thông qua như thế nào?
(Hoàng Ngọc Viễn, cư xá Nguyễn Thiện Thuật, TPHCM)
Ngày 20-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34 thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu.
Hiến pháp gồm có 7 chương với 70 điều được Quốc hội khóa I, kỳ II (khai mạc ngày 28-10-1946) thảo luận và biểu quyết thông qua ngày 8-11-1946. Hồ Chủ tịch, trong buổi kết thúc khóa họp Quốc hội đã phát biểu về bản Hiến pháp 1946: “Hơn mười ngày nay, các đại biểu đã khó nhọc làm việc. Quốc hội đã thu được một kết quả làm vẻ vang cho đất nước là đã thảo luận xong bản Hiến pháp. Sau khi nước nhà mới được tự do 14 tháng, đã làm thành bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa.
…Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Dân tộc Việt Nam đã có đủ quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã được ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bằng của các giai cấp”.
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 186).
KHÁNH TƯỜNG