An Giang là tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia và có nhiều huyện vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên mấy năm qua bộ mặt nông thôn của tỉnh này đã có nhiều thay đổi nhờ sự đầu tư hạ tầng mạng lưới bán lẻ. Theo Sở Công thương An Giang, ngoài mạng lưới siêu thị Co.opmart, siêu thị Tứ Sơn thì tỉnh này còn có 58 cửa hàng Bách hóa Xanh và khoảng 20 cửa hàng Vinmart+. Việc các nhà bán lẻ đầu tư đã giúp hạ tầng bán lẻ An Giang được hiện đại, đa dạng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân địa phương.
Không riêng An Giang mà ở các tỉnh khác như Kiên Giang, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng… mạng lưới bán lẻ hiện đại cũng được quan tâm đầu tư. Theo nhà bán lẻ Saigon Co.op, đơn vị này đang có khoảng 30 siêu thị Co.opmart phủ đều ở các tỉnh vùng ĐBSCL. Việc mở các siêu thị này không chỉ cung ứng hàng hóa kịp thời cho người dân mà còn góp phần là cầu nối phân phối ổn định cho các sản phẩm nông sản, đặc sản của mỗi địa phương nơi có Co.opmart trú đóng.
Chị Trần Ngọc Út, ở xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, từ khi có các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chị đã có thêm một kênh để mua sắm thuận tiện, thực phẩm với giá cả niêm yết rõ ràng, phong cách phục vụ khá chuyên nghiệp, thường xuyên có các chương trình ưu đãi, giảm giá để thu hút khách hàng…
Theo Sở Công thương các tỉnh ĐBSCL, cùng với mạng lưới siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các tỉnh trong vùng đã tiến hành nâng cấp các chợ truyền thống, nhất là ở khu vực nông thôn, để người dân có thêm sự lựa chọn khi mua hàng. Nhờ sự phát triển ngày càng đồng bộ nên khi dịch xảy ra thì thị trường hàng hóa trong vùng đã giúp các doanh nghiệp cung ứng dồi dào, nhu cầu tiêu dùng của người dân được đảm bảo, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng dẫn đến biến động giá cục bộ.