Bản lĩnh của Đảng

Kỳ họp thứ 32 của UB Kiểm tra Trung ương từ ngày 21-6 đến 3-7-2010 đã thảo luận, xem xét, kết luận hơn 45 vụ việc. Ngay sau kỳ họp, UB Kiểm tra Trung ương đã công khai thông báo về nội dung kỳ họp. Những tin tức thông báo công khai được dư luận thực sự quan tâm, đồng tình ủng hộ. Cùng với việc chỉ rõ những dấu hiệu vi phạm của các cá nhân, đơn vị, UB Kiểm tra Trung ương cũng đã đề nghị những hình thức xử lý, kỷ luật, trong đó đáng chú ý là vụ việc liên quan đến trường hợp ông Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, vụ Vinashin và các vụ việc khác…

Thay cho tâm lý dè dặt, ngại nói về khuyết điểm của đảng viên, tổ chức Đảng vẫn tồn tại đâu đó lâu nay, việc công khai hóa hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng của UB Kiểm tra Trung ương - một cơ quan kiểm tra chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương, làm việc dưới sự lãnh đạo của BCH TƯ, sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư - thật sự là dấu hiệu tích cực, rất đáng ghi nhận. Về nguyên tắc, trừ nội dung thuộc Đảng vụ, không có vùng cấm nào và cũng không có việc gì của Đảng là “nội bộ”, không thể công khai.

Nguyên tắc là thế nhưng trong thực tế, việc kiểm tra, kỷ luật Đảng phần nhiều mang tính “nội bộ”. Chính vì vậy, cũng không ít ý kiến cho rằng, chẳng nên “vạch áo cho người xem lưng”, hay “việc gì phải đưa sai phạm, khuyết điểm ra ngoài để cho kẻ xấu lợi dụng, bôi nhọ Đảng”! Nhưng thực tế cũng đã chỉ ra rất rõ tác hại của kiểu “nội bộ”, né tránh, dung dưỡng vi phạm. Qua kiểm tra, thanh tra cho thấy, ở đâu tính công khai minh bạch kém thì ở đó dễ phát sinh sai phạm, tham nhũng. Thiếu công khai, minh bạch là mảnh đất màu mỡ để sai phạm, tham nhũng phát triển! Nhiều vụ tham nhũng, sai phạm đã có thể không xảy ra nếu được công khai sớm. Công khai, minh bạch là “khắc tinh” của sai phạm, tham nhũng và cũng là giải pháp quan trọng trong phòng chống sai phạm, tham nhũng. Ở những nơi Đảng bộ xảy ra sai phạm, tham nhũng thì nội bộ Đảng không chỉ mất đoàn kết, tổn hại đến Đảng mà còn hại đến nhân dân, đến đất nước. Vì sao? Vì Đảng bộ đó đã không còn là chỗ dựa tin cậy, là nơi gửi gắm niềm tin yêu của nhân dân! Và đó mới là kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, gây chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng với dân, gây nguy cơ  đối với sự tồn vong của Đảng.

Để xây dựng Đảng vững mạnh, ngang tầm với đòi hỏi của dân tộc và thời đại, đặc biệt là trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng phải thật sự trong sạch, được nhân dân tin tưởng. Để làm trong sạch Đảng, phải kiên quyết đưa những đảng viên thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng và một trong những công cụ, điều kiện làm điều đó chính là công khai hóa hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Những “ông quan cách mạng”, mang “mác” đảng viên nhưng xa dân, tham nhũng, suy đồi đạo đức không chỉ bị Đảng nghiêm khắc xử lý mà còn bị nhân dân khinh bỉ, căm ghét. Nhân dân phải được cung cấp thông tin về hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật. Dù quan hệ giữa Đảng với dân là gắn bó máu thịt nhưng Đảng không phải không bao giờ có sai lầm, khuyết điểm. Công khai, minh bạch những sai lầm, khuyết điểm sẽ xóa tan những mối nghi ngờ, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Sự thực, khi hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được công khai hóa,  kẻ địch cũng không thể lợi dụng được để bôi nhọ, nói xấu chế độ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính!”.

Mỗi đảng viên, tổ chức Đảng hãy ghi tâm, khắc cốt lời dạy ấy!

Hồng Quân

Tin cùng chuyên mục