Tết Nhâm Thìn vừa đi qua, các doanh nghiệp đã phải đối mặt ngay với những khó khăn chồng chất. Tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đối với kinh tế trong nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm, mà còn có xu hướng ảnh hưởng sâu hơn và rộng hơn theo thời gian. Giá một số nguyên nhiên liệu chiến lược vẫn tiếp tục tăng, kéo theo giá cả hàng hóa chưa thể giảm theo dự kiến. Sau đợt nghỉ tết truyền thống dài ngày nhất (9 ngày), trừ ngành du lịch bội thu, sản xuất và kinh doanh của các ngành khác chưa thể phục hồi như trước tết.
Một số loại hàng hóa tiêu thụ rất chậm, có dấu hiệu ứ thừa do sức mua của xã hội giảm nhiều so với các năm trước, làm chu kỳ tái sản xuất mở rộng và quay vòng vốn của các doanh nghiệp bị bó lại. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng giao thông – trừ một số công trình theo nguồn vay của ODA – không thể triển khai hoặc tiếp tục hoàn thiện vì thiếu vốn đầu tư. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng chưa có dấu hiệu giảm, khiến việc vay vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thêm khốn khó…
Tuy nhiên, chính trong muôn vàn khó khăn đó đòi hỏi doanh nghiệp phải có đầy đủ bản lĩnh vượt qua để tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất, tăng lợi nhuận, đảm bảo tốt thu nhập và đời sống cho cán bộ công nhân viên của mình, góp phần ổn định nền kinh tế và đặc biệt là ổn định xã hội, bởi ổn định xã hội là một trong những nhân tố quyết định cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.
“Cái khó ló cái khôn”. Ngay những ngày đầu tiên năm Nhâm Thìn, các doanh nghiệp đã phải tập trung toàn lực vượt qua khó khăn đang đón chờ họ. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ở TPHCM đã huy động lực lượng vào guồng máy ngay sau kỳ nghỉ tết để có những sản phẩm đầu tiên của năm con rồng. Muốn tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp phải tìm cách cải tiến quy trình sản xuất, thay đổi công nghệ mới, giảm giá thành sản phẩm, đặc biệt là tiết kiệm chi phí sản xuất, trong đó vấn đề đặt lên hàng đầu là tiết kiệm nguyên vật liệu và tiết kiệm lao động. Đây là yếu tố có tính chất quyết định sức sống của doanh nghiệp.
Trong điều kiện vốn vay hạn hẹp và lãi suất ngân hàng chưa giảm, nhiều doanh nghiệp tìm cách liên kết, liên doanh với những đơn vị có nhiều vốn, nhất là với những đơn vị có thị trường xuất khẩu – nơi có thể tiêu thụ hàng hóa và thu hồi vốn nhanh cho chu kỳ tái sản xuất mở rộng. Tuy nhiên, để cho doanh nghiệp có thể đủ lực vượt qua cơn bĩ cực, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước. Ngoài các chủ trương chính sách đúng đắn, nhà nước cần có những biện pháp cụ thể làm “bà đỡ” cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để phục vụ quá trình thay đổi quy trình công nghệ và trang bị kỹ thuật mới, vượt qua ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động đến từng doanh nghiệp trong nước.
Riêng đối với các doanh nghiệp trên lĩnh vực phân phối lưu thông cần phải mở rộng hệ thống bán buôn và bán lẻ đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường đại học – nơi có rất đông người lao động và học tập, nhưng lại rất thiếu chợ, siêu thị phục vụ cho nhu cầu của họ. Sau tết cổ truyền năm nay, việc tiêu thụ hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu mạng lưới tiêu thụ được mở rộng và sâu đến với người lao động thì chắc chắn “sức ì” của thị trường sẽ được khơi thông.
Phía trước các doanh nghiệp là sóng gió và cả bão tố. Song với bản lĩnh của các doanh nghiệp Việt Nam, sự năng động sáng tạo của các doanh nhân và sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tin vượt qua để giành thắng lợi trong quá trình sản xuất kinh doanh.
PHAN LỘC