Bán nhà vượt lũ trái phép

Vô tư sang bán trái phép
Bán nhà vượt lũ trái phép

Cụm tuyến dân cư (CTDC) vượt lũ, chương trình lớn của Chính phủ dành cho vùng ngập lũ ĐBSCL, nhằm giúp người dân có nơi ở ổn định không phải di dời mỗi khi lũ về. Thế nhưng, thực tế một số nơi xảy ra tình trạng người dân tự ý sang bán, cầm cố trái phép nhiều nhà ở CTDC vượt lũ. Trong khi đó, chính quyền địa phương tỏ ra lúng túng trong việc xử lý vấn đề này.

Nhiều căn nhà sang bán trái phép ở CTDC xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Lợi

Nhiều căn nhà sang bán trái phép ở CTDC xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Lợi

Vô tư sang bán trái phép

CTDC xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) là một trong những điểm nóng về sang bán trái phép nhà ở CTDC vượt lũ. Xã có 2 CTDC liền kề nhau bố trí hơn 500 nền, trong đó ưu tiên những hộ vùng ngập sâu, hộ nghèo chưa có chỗ ở…

Theo nhận định của các ngành chức năng Cần Thơ, 2 CTDC xã Trường Xuân nằm ngay trung tâm xã, giao thương đường bộ và đường thủy thuận lợi, thuộc loại sung túc nhất so với nhiều CTDC vượt lũ khác. Có thể nói, dân nghèo vùng lũ được chính quyền bố trí nhà ở tại đây là mơ ước để đổi đời. Thế nhưng, tình trạng sang bán nhà ở trái phép lại diễn ra phổ biến.

Chị Ngô Thanh Bạch, hộ nghèo ấp Phú Thọ, xã Trường Xuân nhiều năm ở trong vùng ngập lũ, nhà tạm bợ, cuộc sống khó khăn. Tháng 12-2006, chị Bạch được UBND huyện cấp nền nhà số 9, lô B, rộng hơn 65m², trị giá 5,6 triệu đồng; kèm cho vay 11 triệu đồng xây nhà thuộc chương trình CTDC vượt lũ. Quyết định của UBND huyện nêu rõ không được sang bán, cầm cố… trong thời hạn 10 năm kể từ ngày giao nền; đồng thời chị Bạch có trách nhiệm trả chậm số tiền trên cho Nhà nước.

Thế nhưng, cuối tháng 2-2012, chị Bạch âm thầm sang bán trái phép căn nhà vượt lũ của mình cho chị Phạm Thanh Thúy, ở cùng địa phương với giá 81,5 triệu đồng. Việc sang bán nhà chỉ ghi giấy tay, không có xác nhận của ấp, xã… và chính quyền địa phương không hay biết. Tương tự, ông Trần Văn Nghệ, hộ nghèo ở xã Trường Xuân, được cấp nhà ở trong CTDC vượt lũ. Khoảng 6 năm qua, ông Nghệ chưa trả tiền mua nền và xây nhà, cho nhà nước.

Nhưng mới đây, ông Nghệ lại sang bán căn nhà được cấp của mình cho chị Huỳnh Thị Yến Quyên, với giá đến 90 triệu đồng. Chị Quyên cho biết lúc địa phương triển khai xây CTDC vượt lũ chị đã gửi đơn xin vào ở, tuy nhiên không được xét duyệt. Gia đình khó khăn và không có nhà ở nên buộc lòng phải vay nợ để mua nhà trái phép của ông Nghệ trong CTDC vượt lũ.

Theo chính quyền địa phương, thời gian qua có khoảng 80 trường hợp sang bán, cầm cố nhà ở sai quy định tại 2 CTDC vượt lũ xã Trường Xuân. Số tiền sang bán bình quân 60 - 90 triệu đồng/nhà, thậm chí cao hơn. Tất cả đều lén lút ghi bằng giấy tay nên ngành chức năng khó ngăn chặn.

Tại một số nơi khác ở TP Cần Thơ cũng xảy ra tình trạng cầm cố, bao chiếm… nhà ở CTDC vượt lũ. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, đến nay các ngành chức năng phát hiện 1.569 trường hợp mua bán, chuyển nhượng, cho thuê… nền nhà trái quy định ở các CTDC vượt lũ trong tỉnh.

Đau đầu bài toán việc làm

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Bí thư Huyện ủy Thới Lai Huỳnh Ngọc Thạch cho biết đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra tình hình sang bán, cho thuê nhà ở trái phép trong các CTDC vượt lũ. Quan điểm của huyện, không chấp nhận việc này và kiên quyết thu hồi lại số nhà sang bán trái quy định. Trong quá trình xử lý nếu phát hiện hộ nào khó khăn chưa có nơi ở thì huyện xem xét cấp nền, đảm bảo cuộc sống cho dân. Song, vấn đề đặt ra vì sao gần đây người dân tự ý sang bán, cho thuê trái phép nhiều nhà ở CTDC vượt lũ?

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan đánh giá cao hiệu quả của chương trình CTDC vượt lũ đã giúp rất nhiều hộ dân ĐBSCL có nơi an cư, không còn cảnh di dời chạy lũ. Tuy nhiên, để chương trình này được tốt hơn nữa, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần hỗ trợ người dân việc làm, có thu nhập đảm bảo cuộc sống.

Thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân dẫn đến sang bán, cho thuê, đóng cửa kéo dài nhà ở CTDC vượt lũ. Bí thư Đảng ủy xã Thới Tân Lê Văn Cường (huyện Thới Lai, Cần Thơ) nhìn nhận, trong 238 nền ở CTDC vượt lũ của xã đến nay người dân mới xây được 72 căn nhà, trong đó chỉ ở có 37 căn, số nhà còn lại không ai ở, hoặc đóng cửa đi làm ăn xa… bởi nhiều hộ trong CTDC thiếu việc làm, không có thu nhập.

Theo ông Lê Văn Quắn, ở CTDC xã Thới Tân, khi vào CTDC có được chỗ ở nhưng lại không tìm việc làm do chẳng ai thuê làm mướn. Vì vậy, người dân phải bỏ nhà để lên Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM… làm thuê kiếm sống.

Tại Long An, trong 165 CTDC vượt lũ bố trí cho 32.768 hộ, nhưng tới nay chỉ có 15.490 hộ vào ở. Nguyên nhân khiến người dân chưa “mặn” với CTDC là do thiếu việc làm, chưa quen sống dạng cộng đồng, tập trung… Theo Sở Xây dựng Long An, cùng với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện sinh hoạt thuận lợi trong các CTDC, thì tới đây cần đẩy mạnh dạy nghề, tạo việc làm cho dân bằng nhiều mô hình về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích phát triển làng nghề, buôn bán nhỏ, dịch vụ...

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết sẽ kết hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới, tăng cường đầu tư cho CTDC toàn diện hơn về hạ tầng, trường, trạm, chợ, dịch vụ, khu vui chơi… biến CTDC thành những điểm đô thị nông thôn khang trang. Ở đó người dân vừa được an cư, vừa có việc làm thì họ sẽ gắn bó lâu dài với CTDC.

H.Lợi - N.Thanh

Tin cùng chuyên mục