Âm ỉ nhiều năm, thi thoảng, những mâu thuẫn giữa chủ sở hữu tác phẩm và người sử dụng âm nhạc lại bùng lên. Song lần này, hiện tượng Ru tình với những rắc rối về bản quyền của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất có thể sẽ làm ngòi nổ cho một cuộc chiến pháp lý về vấn đề quyền tác giả âm nhạc.
Ru tình và bản quyền nhạc Trịnh
Trong những ngày vừa qua, không chỉ giới nhạc sĩ mà dư luận cũng bị cuốn theo sự kiện được coi là hy hữu khi cùng trong dịp 8-3 sắp tới, nhiều khả năng sẽ cùng lúc có 2 đêm nhạc Trịnh của hai đơn vị tổ chức khác nhau cùng mang tên Ru tình. Chỉ khác nhau ở một điểm, chương trình Ru tình của Công ty cổ phần Interbrand Việt Nam có sự đồng ý của tác giả, Ru tình của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tuy không có điều kiện này nhưng đã nắm trong tay giấy phép có con dấu và chữ ký của ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL). Sự chồng chéo này chỉ được phát hiện khi Sở VH-TT-DL Hà Nội cùng lúc nhận được hai hồ sơ, một là xin cấp phép của Công ty cổ phần Interbrand Việt Nam và một hồ sơ khác là hồ sơ xin cấp giấy tiếp nhận biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Trước tình hình này, bà Trịnh Vĩnh Trinh, đại điện của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã buộc phải lên tiếng. Bà cho biết, từ trước tới nay, với bất kỳ chương trình nào, sân khấu nào biểu diễn các tác phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà không làm ảnh hưởng xấu tới thẩm mỹ của tác phẩm, gia đình nhạc sĩ đều rất ủng hộ. Nhưng với trường hợp của đêm nhạc Ru tình đang quảng cáo tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào đêm 7 và 8-3 tới đây, đó là một việc làm sai trái về đạo lý và pháp lý.
Sở dĩ có việc phát ngôn mạnh mẽ này là do trước đó, Công ty Interband Việt Nam đã có được hợp đồng tác quyền với đại diện của gia đình nhạc sĩ. Trong hợp đồng ghi rõ, công ty được sử dụng độc quyền những tác phẩm nhạc Trịnh từ ngày 10-2 đến 10-3-2012. Gia đình nhạc sĩ cũng không đồng ý cho phép bất cứ đơn vị nào khác sử dụng những tác phẩm của cố nhạc sĩ nhằm mục đích thu lợi nhuận trong khoảng thời gian đó.
Là một trong những người theo dõi vụ việc này từ đầu, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng khẳng định, điều này thể hiện sự vô lý khi cấp phép biểu diễn mà không cần tới sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu thực sự của các tác phẩm đó.
Tuy nhiên, đại diện Sở VH-TT-DL Hà Nội cho biết, theo quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và quy định về thủ tục hành chính thì hai hồ sơ trên hoàn toàn hợp lệ. Về mặt nguyên tắc, sở không có lý do gì từ chối quyền cấp giấy tiếp nhận biểu diễn của Liên đoàn Xiếc (vì mặc dù không có bản quyền ca khúc nhưng đã có giấy phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn) cũng như từ chối cấp phép công diễn cho Công ty Interband… Hơn nữa, trong quy chế hoạt động và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, vấn đề bản quyền tác giả vẫn chưa được xem là một thủ tục hành chính bắt buộc phải có mà chỉ dựa trên tinh thần thỏa thuận giữa các bên. Và vì thế, đến thời điểm này, cả hai chương trình đều đang chờ quyết định của sở.
Bức xúc không lời đáp
Cùng chung mối quan tâm về bản quyền âm nhạc, ngày 16-2, gần 30 nhạc sĩ tên tuổi thuộc nhiều thế hệ như Phạm Tuyên, Huy Thục, Trọng Bằng, Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Tài Tuệ, Hoàng Dương, đại diện gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao… đã họp mặt cùng nhau tại Hà Nội để lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi của mình. Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp bức xúc cho rằng: “Ở tất cả các nước, chỉ duy nhất một người có quyền cho phép sử dụng tác phẩm của mình, đó là các tác giả. Còn tại sao ở Việt Nam, ông cục, ông sở nào đó lại có quyền đóng dấu đỏ cho phép nhà tổ chức biểu diễn sử dụng trái phép tài sản của người khác mà tài sản đó đã được Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ? Chúng tôi có giao các tác phẩm của mình cho cục hay sở đâu?”.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, với kinh nghiệm nhiều năm quản lý đã đặt dấu hỏi rằng chỉ một việc đơn giản để bảo vệ quyền tác giả âm nhạc là yêu cầu đơn vị tổ chức chương trình phải đưa ra giấy chứng nhận đã thực hiện nghĩa vụ bản quyền trước khi cấp phép, vì sao các đơn vị chức năng lại không làm được? Cùng bức xúc đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng không thể lý giải được tại sao ở TPHCM, phần lớn các chương trình khi được cấp phép đều phải chứng minh đã thực hiện nghiêm túc bản quyền mà ở những nơi khác lại không.
Tại buổi gặp gỡ này, nhiều nhạc sĩ đã đề xuất việc thuê văn phòng luật sư tham gia vào các vụ việc tranh chấp mang tính pháp lý để bảo vệ quyền của các tác giả âm nhạc. Theo tiết lộ của nhạc sĩ Phó Đức Phương, mặc dù việc khởi kiện các vụ việc này sẽ mất nhiều thời gian và công sức nhưng trung tâm cũng đang xúc tiến để chuẩn bị cho vụ kiện đầu tiên về vấn đề bản quyền. Trước mắt, ngay tại buổi gặp mặt, các nhạc sĩ đã đồng lòng ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam soạn gấp một bản kiến nghị gửi đến Bộ VH-TT-DL, các cơ quan thông tấn báo chí để lên tiếng yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Nội dung của bản kiến nghị này phản đối việc Cục Nghệ thuật biểu diễn và các sở VH-TT-DL địa phương cho phép các chương trình biểu diễn được tổ chức mà không cần sự đồng ý của các tác giả.
Vĩnh Xuân