Tại diễn đàn kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV vừa qua, khi giải trình chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận thực trạng “bán thuốc như bán rau” và xin nhận trách nhiệm, nhận lỗi khi dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được thuốc mà không cần đơn thuốc của bác sĩ.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc quản lý tình trạng này khó, dù đã có thông tư ban hành quy định về việc kê đơn, quản lý quầy thuốc đạt chuẩn, nhưng nhiều đơn vị kinh doanh không tuân theo.
Đến nay, vừa tròn 1 năm thực thi Nghị định 102/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh thuốc, nhưng thực tế hoạt động kinh doanh thuốc vẫn còn nhiều lộn xộn. Nhiều cơ sở kinh doanh thuốc chưa đáp ứng đủ các điều kiện đối với từng hình thức kinh doanh thuốc; nhiều chủ cơ sở bán thuốc không có chứng chỉ hành nghề dược, mà chỉ thuê người có bằng cấp đứng tên; vẫn phổ biến tình trạng nhân viên bán thuốc tùy tiện kê thuốc theo triệu chứng người bệnh kể, mà không cần toa của bác sĩ, dẫn đến hệ lụy lạm dụng thuốc, lạm dụng kháng sinh. Hậu quả là vi khuẩn kháng với kháng sinh được sử dụng để điều trị, khiến các bệnh vốn chữa được trở thành không chữa được.
Để khắc phục vấn nạn đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra giải pháp “giao Cục Quản lý dược thí điểm mô hình quản lý nhà thuốc để nhân rộng; sắp tới ngành y tế sẽ đổi mới toàn diện, thanh tra kiểm tra nhiều hơn”.
Điểm lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, có thể thấy, cùng với Nghị định 102/2016/NĐ-CP còn có những quy định rất chặt chẽ về điều kiện hoạt động và xử lý các vi phạm về bán buôn, bán lẻ thuốc, như Luật Dược năm 2005, Nghị định 79/2006/NĐ-CP, Thông tư 02/2007/TT-BYT, Thông tư 46/2011/TT-BYT... Thế nhưng lâu nay công tác quản lý và thanh tra, kiểm tra của ngành y tế đối với việc chấp hành pháp luật trong hoạt động bán buôn, bán lẻ thuốc vẫn chưa đạt hiệu quả.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Thậm chí, trong nhiều bệnh viện còn xuất hiện nhiều vi khuẩn biến đổi gien đa kháng thế hệ mới.
Nguyên nhân là do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát; nhận thức của cộng đồng và đội ngũ cán bộ y tế chưa đầy đủ; kiến thức về thuốc kháng sinh cũng như tình trạng kháng thuốc kháng sinh còn hạn chế, nhiều người lầm tưởng bệnh gì cũng có thể chữa bằng kháng sinh.
Khảo sát của ngành y tế cho thấy 88% người dân thành thị và 91% người dân các vùng nông thôn mua thuốc kháng sinh không có đơn kê thuốc của bác sĩ. Để cạnh tranh, bán được nhiều thuốc và chứng tỏ việc cho thuốc chữa bệnh công hiệu, các nhà thuốc và cả các bác sĩ phòng khám tư đã bán thuốc, chỉ định kháng sinh liều cao, kể cả trong trường hợp không cần thiết, đặc biệt với trẻ em.
Nhìn ra thế giới, việc quản lý bán lẻ thuốc ở các nước tiên tiến được thực hiện và kiểm soát nghiêm ngặt. Dược sĩ phải là người trực tiếp đứng tại quầy và chịu trách nhiệm về hoạt động của nhà thuốc ấy. Nếu khách hàng không có toa của bác sĩ thì chỉ có thể mua các loại thuốc thông thường như thuốc cảm cúm, bổ phế hỗ trợ điều trị ho, thực phẩm chức năng; không thể mua bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào nếu không có toa do bác sĩ chỉ định. Nếu tự ý bán thuốc cho khách hàng không có toa thuốc, dược sĩ đứng tên tiệm thuốc sẽ bị thu hồi bằng vĩnh viễn và bị xử lý theo pháp luật. Nghiêm như vậy nên không hiệu thuốc nào dám bán thuốc trái quy định.
Ở nước ta, cho đến nay vẫn phổ biến tình trạng dược sĩ cho thuê bằng đứng tên chứ không làm việc trực tiếp tại hiệu thuốc; nhân viên bán thuốc nhiều người chả có bằng cấp gì về y dược vẫn tùy tiện kê thuốc bán không cần toa của bác sĩ. Mức xử lý hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sĩ chỉ ở mức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, do vậy không có hiệu quả răn đe, nhiều hiệu thuốc vẫn bất chấp quy định, chạy theo lợi nhuận, và người chịu hậu quả đau lòng nhất chính là người bệnh. Do vậy, với hơn 30.000 hiệu thuốc trên cả nước, nếu chỉ dùng biện pháp tăng cường kiểm tra thôi, sẽ chưa đủ chấn chỉnh thực trạng bán thuốc như bán rau, lạm dụng kháng sinh.
Cùng với việc quản lý chặt, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động bán lẻ thuốc, cũng cần kiểm tra xử lý việc bác sĩ phòng khám tư không kê toa cho bệnh nhân ra hiệu thuốc mua, mà tự bán luôn thuốc, nhưng đã xé nhãn thuốc (để tùy tiện nâng giá thuốc và giấu việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị), khiến bệnh nhân uống thuốc mà không thể biết là thuốc gì. Ngoài ra, các ngành y tế, giáo dục, truyền thông cần phối hợp trong việc phổ cập kiến thức về thuốc kháng sinh trong cộng đồng, để người dân có ý thức việc chỉ mua và sử dụng thuốc theo toa bác sĩ.