Mưa lớn liên tục trong 2 tuần qua khiến khu vực xung quanh thủ đô Bangkok, Thái Lan ngập nặng. Ngày 4-10, Chính quyền Bangkok đã huy động 2 máy xúc cỡ lớn để thông dòng chảy kênh Rangsit nhằm ngăn dòng nước tràn vào Bangkok.
Theo Bangkok Post, kênh Rangsit, nhất là tại khu vực Lak Hok, thuộc quận Muang, là điểm thoát nước chính cho khu vực các quận phía Bắc Bangkok như Don Muang và Bang Khen, vùng từng bị cơn lũ lịch sử năm 2011 nhấn chìm. Việc khai thông dòng chảy tại khu vực này có thể nâng lượng nước thoát từ 7m³/giây lên 10m³/giây.
Chính phủ Bangkok cũng huy động thêm ít nhất 18 máy bơm để đưa nước từ kênh Rangsit vào sông Chao Phraya; điều 10 máy bơm ở phía Nam Bangkok bơm nước vào kênh Khlong Raphi Phat để đưa ra biển.
Theo cư dân Bangkok, họ cảm thấy hài lòng với công tác phòng chống lũ ở thủ đô Bangkok, tiến bộ hẳn so với trước trận lũ tồi tệ năm 2011. Các quan chức Thái Lan khẳng định, nước mưa có thể gây ngập nhẹ một số khu vực ở Bangkok nhưng trước mắt loại trừ lũ từ các tỉnh phía Bắc dồn về Bangkok. Các chuyên gia cho rằng, tình hình nước lũ hiện nay không thể dẫn đến trận lũ lớn như năm 2011. Ông Chirapol Sintunawa, Khoa Môi trường và nghiên cứu tài nguyên của Đại học Mahidol nhận định, thảm họa đó không thể lặp lại.
Mặc dù vậy, nếu tình hình mưa lớn ở các tỉnh phía Bắc không giảm và kết hợp với triều cường vào giữa tháng 10, nguy cơ lũ đe dọa Bangkok vẫn còn đó. Chính quyền TP Bangkok đã cảnh báo mưa lớn kết hợp với thủy triều dâng cao có thể gây ngập lụt trên diện rộng. Vùng bị ảnh hưởng nặng nhất là cộng đồng sinh sống dọc sông Chao Phraya, do ở đây chưa có đê chắn lũ. Ngoài ra, trong tuần qua, một số điểm trũng phía Đông của Bangkok như Min Buri và Lat Krabang cũng bị ngập do kênh rạch tràn bờ. Hiện các tỉnh xung quanh Bangkok gồm Ayutthaya, Saraburi, Nakhon Nayok, Chachoengsao, Nonthaburi và Pathum Thani đang tăng cường khả năng thoát nước để cứu Bangkok.
Như tại tỉnh Ayutthaya, nơi có cố đô cùng tên, cách Bangkok 85km về phía Bắc, Thống đốc tỉnh Sujin Chaichumsak cho biết, ông đã yêu cầu các quan chức thủy lợi mở 7 cống dẫn nước từ sông Noi vào cánh đồng 21.000ha nơi đã thu hoạch lúa. Còn Thống đốc tỉnh Pathum Thani, ông Surachai Khan-Arsa cho biết, tỉnh này đã tìm cách để chuyển hướng ít nhất 7 triệu mét khối nước vào các đập chứa nước của tỉnh.
Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, tác động của hiện tượng thời tiết La Nina ở Đông Nam Á có thể khiến mùa mưa Thái Lan kéo dài tới đầu năm 2017 và người dân Thái Lan cần chuẩn bị để đối phó với lũ. Mặc dù lũ lụt không có khả năng gây ra thiệt hại lớn như đã từng xảy ra vào năm 2011, tuy nhiên một số khu vực vẫn có nguy cơ gặp phải lũ lớn hơn thường niên. Một số cơn bão được dự báo sẽ hình thành ở biển Đông và có thể làm tăng thêm lượng mưa tại Thái Lan vào đầu tháng 11.
THỤY VŨ