(SGGP). - Theo Sổ tay nghiệp vụ kiểm tra nội bộ về công tác xử phạt vi phạm hành chính về thuế do Tổng cục Thuế vừa ban hành thì các tổ chức tín dụng, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan nếu thông đồng, bao che cho hành vi trốn thuế sẽ bị xử phạt.
Cụ thể, những hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế, chậm thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế; khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế; chậm nộp hồ sơ khai thuế; vi phạm các quy định về cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế; vi phạm trong việc chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hành vi trốn thuế, gian lận thuế... của người nộp thuế đều bị xử phạt. Mức phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế của tổ chức hiện nay là bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế đã trốn. Riêng trường hợp người nộp thuế khai sai, nhưng đã khai bổ sung và đã nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện thông qua thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế thì không bị xử phạt.
Ngoài ra, Sổ tay Nghiệp vụ cũng quy định, nếu tổ chức tín dụng, cá nhân có liên quan thông đồng, bao che cho người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế; không thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, tài khoản của người nộp thuế nợ thuế tại tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với cá nhân, mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng, đối với tổ chức mức phạt cao nhất là 200 triệu đồng.
HÀN NI