An toàn cho quá trình chuyển đổi số
Theo thống kê của một số công ty an ninh mạng tại Việt Nam, dữ liệu của doanh nghiệp cũng như cá nhân khi trực tuyến đã tạo điều kiện cho hoạt động đánh cắp thông tin diễn ra ngày càng phổ biến. Kéo theo đó là số lượng tệp độc hại không ngừng phát triển và biến hóa khôn lường. Bất kể là doanh nghiệp có quy mô lớn, các tập đoàn về công nghệ hay những công ty rất nhỏ thì tin tặc, virus độc hại gần như rình rập mỗi giây. Năm 2020, chỉ riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Đông Nam Á đã có gần 3 triệu vụ tấn công lừa đảo. Bảo mật thông tin trong môi trường mạng cũng như các hoạt động hàng ngày của mỗi doanh nghiệp càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tại Việt Nam, theo thống kê, trong năm 2020 đã có gần 1 triệu cuộc tấn công mạng vào các hệ thống CNTT trọng yếu ở Việt Nam. Theo phân tích của Cục ATTT (Bộ TT-TT), trong năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng đáng kể các nguy cơ mất an toàn an ninh mạng. Số lượng mã độc, website độc hại, lỗ hổng bảo mật bị khai thác đều tăng đột biến so với các năm trước. Các nhóm tin tặc khác nhau đã lợi dụng tình hình này để tiến hành hàng loạt chiến dịch tấn công mạng, đặc biệt là hình thức tấn công có chủ đích APT, mà nhiều cơ quan, tổ chức tại Việt Nam cũng trở thành nạn nhân.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ATTT, cho rằng, khi chuyển đổi số là một quá trình tất yếu của các cơ quan, tổ chức hay mỗi quốc gia thì an toàn, an ninh mạng là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả của chuyển đổi số. An toàn, an ninh mạng phải song hành và trở thành một phần không thể tách rời của chuyển đổi số. Do vậy, việc xây dựng hệ thống lá chắn phòng thủ hiệu quả để đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho toàn bộ các chiến lược và hoạt động của một tổ chức đã trở thành vấn đề tối quan trọng được quan tâm hàng đầu.
Hình thành hệ miễn dịch ATTT
Không chỉ là một trong những thành viên tích cực của Liên minh xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng Việt Nam, thời gian qua, Tập đoàn VNPT cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc triển khai hiệu quả công tác an toàn an ninh thông tin. Trong quá trình dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, VNPT đã xây dựng hệ miễn dịch ATTT cho doanh nghiệp và người dùng một cách quy mô và bài bản. Cụ thể, VNPT xây dựng hệ miễn dịch ATTT không chỉ phục vụ cho nội bộ doanh nghiệp mà còn tạo nên một hệ sinh thái phong phú, với nhiều giải pháp ATTT cung cấp tới khách hàng.
Điển hình là Trung tâm Điều hành SOC (Security Operation Center) chuyên theo dõi, xử lý các sự cố về ATTT 24/7. SOC được triển khai dựa trên những nỗ lực xây dựng hệ miễn dịch ATTT với quan điểm một hệ sinh thái an ninh mạng tốt sẽ đảm bảo tất cả các thành phần hoạt động cùng nhau trong thời gian gần để dự đoán, ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Đồng thời hạn chế sự lây lan của cuộc tấn công, giảm thiểu hậu quả và khôi phục hệ thống và mạng về trạng thái ổn định và an toàn.
Hiệu quả từ các giải pháp bảo mật của VNPT đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt tránh được tổn thất lên đến hàng triệu USD, tiết kiệm chi phí cho hoạt động ATTT doanh nghiệp. Giải pháp mới nhất được VNPT phối hợp với IBM phát triển là VNPT MSS (VNPT Managed Security Service) - nền tảng giám sát, quản lý, hỗ trợ cho doanh nghiệp và tổ chức nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, ứng cứu các rủi ro gây mất ATTT.
Phó Tổng Giám đốc VNPT Nguyễn Nam Long kỳ vọng VNPT MSS sẽ thực sự trở thành hệ miễn dịch cho quốc gia số, giúp đảm bảo an ninh cho Chính phủ số, an toàn cho không gian mạng Việt Nam. Đây cũng là nền tảng đảm bảo cho VNPT từ vị thế dẫn đầu trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam tiến tới khai thác các tiềm năng ở thị trường châu Á và trên thế giới; hiện thực hóa giấc mơ đưa giải pháp công nghệ Việt Nam vươn ra thế giới.
VNPT cũng vừa giành được 4 giải thưởng lớn tại Giải thưởng An toàn bảo mật thế giới 2021 (Cyber Security Global Excellence Awards) đối với các sản phẩm: VNPT eKYC, VNPT SOC, VNPT SmartCloud và SmartIR. Qua đó, khẳng định tầm vóc của một doanh nghiệp CNTT chủ đạo quốc gia và đưa Việt Nam vào danh sách các cường quốc công nghệ thế giới.