Để ngành CNCNS trở thành động lực kinh tế chủ đạo với tốc độ tăng trưởng gấp 2-3 lần GDP, luật đã đưa ra các ưu đãi vượt trội cho các dự án trọng điểm trong lĩnh vực công nghệ số, bán dẫn, AI, trung tâm dữ liệu. Ví dụ, các dự án có vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên được hưởng thuế suất 5% trong 37 năm, miễn thuế 6 năm, giảm 50% thuế trong 13 năm tiếp theo, cùng miễn giảm tiền thuê đất lên đến 22 năm và giảm 75% cho những năm còn lại. Doanh nghiệp được hỗ trợ tài chính từ ngân sách, quỹ đầu tư phát triển, và được tính chi phí nghiên cứu phát triển (R&D) lên đến 200% chi phí thực tế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Các khu công nghệ số tập trung và dự án khởi nghiệp sáng tạo được hưởng ưu đãi tương tự các địa bàn đặc biệt khó khăn, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp công nghệ số.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ KH-CN), cho hay, luật này khẳng định rõ nguyên tắc “tự chủ, tự cường về công nghệ số, công nghệ số chiến lược”; là nền tảng trong phát triển CNCNS, nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ, thiết kế, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, công nghệ số chiến lược trong nước. Chính vì vậy, luật đã quy phạm hóa chương trình “Make in Vietnam”, ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghệ số Việt Nam trong các dự án ngân sách nhà nước, đảm bảo thị trường đầu ra ổn định. Doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ kinh phí mua công nghệ, phát triển mẫu thử, và xúc tiến thương mại quốc tế. Doanh nghiệp FDI được khuyến khích chuyển giao công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh toàn cầu.
Cùng với phát triển các doanh nghiệp công nghệ số lớn, Luật CNCNS còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số mạnh mẽ với mục tiêu đạt 150.000 doanh nghiệp vào năm 2035, đi kèm các chính sách hỗ trợ toàn diện. Theo đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao, ưu tiên tham gia đấu thầu các dự án mua sắm công. Hệ sinh thái công nghệ số được xây dựng với sự hợp tác giữa doanh nghiệp lớn, nhỏ và phụ trợ. Hạ tầng số như trung tâm dữ liệu AI, mạng 5G được ưu tiên đầu tư, với sự tham gia của cả nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo…
Theo các chuyên gia, với Luật CNCNS, Việt Nam đã xây dựng được nền tảng pháp lý chủ động, mở đường cho doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển vững chắc, hội nhập sâu rộng và góp phần tạo dựng vị thế mới của Việt Nam trong kỷ nguyên số. Với tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, việc sớm triển khai, thực thi hiệu quả, đưa Luật CNCNS đi vào cuộc sống sẽ đánh dấu bước tiến chiến lược, đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ số khu vực và hướng tới toàn cầu.