Từ vụ dân quân thuộc Phường đội 15, quận 10 TPHCM đánh đập 4 học sinh Trường THCS Trần Phú quận 10, dư luận đang đặt câu hỏi liệu thực sự trong trường học có tình trạng các băng nhóm côn đồ lộng hành trong học đường? Sự nghi vấn này hoàn toàn có cơ sở khi mà hiện tượng “đầu gấu” trong các trường học vẫn diễn ra, các nhóm học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng nhị khúc, dao kiếm là có thật.
Không biết sao mình bị chém?
Với một bên bả vai tay trái băng bó, phải dùng sợi dây đeo cánh tay lủng lẳng trên ngực, em Nguyễn Xuân V. - học sinh lớp 11 Trường THPT Diên Hồng, Q10 - đang điều trị tại khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 từ gần một tuần nay. Vẻ mặt bần thần, V. tỏ ra bất ngờ khi chúng tôi đến thăm. Nhập viện từ trưa ngày 15-11, bạn bè hốt hoảng và cả V. cũng không hiểu vì sao mình bị chém bất ngờ và cũng không hình dung được gã thanh niên dùng dao chém em như một tay xã hội đen thực thụ.
Chiều hôm qua 19-11, thuật lại diễn tiến sự việc với chúng tôi, V. vẫn không khỏi bàng hoàng bởi chỉ một chút nữa thôi thì không khéo em đã “đi đứt”. V. cho biết, sau khi tan học em cùng các bạn ra bãi lấy xe để về.
Vừa ra khỏi bãi xe, do đường tắc nên các bạn cùng dừng lại để qua đường, bất ngờ từ bên kia đường Nguyễn Tri Phương, một thanh niên tay lăm lăm con dao chạy sang và cứ thế chém vào người V. May sao lưỡi dao chỉ phạt dọc vào bả vai trái.
“Lúc đấy em nghe các bạn hét lên bảo chạy. Em cũng chạy nhưng vừa chạy thì gã thanh niên đuổi theo chém một nhát nữa nhưng không trúng”, V. kể. Ngay sau đó mọi người ùa tới, thanh niên kia nhảy lên xe của một người khác đang đợi sẵn và… biến mất.
Bình tâm lại, V. thấy cánh tay mình đau buốt và máu chảy tràn trên tay áo học sinh. May thay lúc ấy có đông bạn bè nên đưa V. vào bệnh viện cấp cứu. V. phân trần: “Em không hiểu gì cả. Từ trước đến nay em không mâu thuẫn với các bạn cùng lớp hay cùng trường”.
Tuy nhiên, theo V. thì có thể có một bạn hay nhóm bạn nào đó trong trường gây xích mích với nhau hay với người bên ngoài và việc mà em bị nạn là một vụ thanh toán nhầm. Vụ việc đang được Công an phường 14, quận 10 thụ lý điều tra.
Chuyện không chỉ của nhà trường
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP ngày 19-11, thầy Trần Thế Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng, quận 10, nói nhà trường đều biết những vụ việc kiểu côn đồ đã xảy ra với học sinh. Với những trường hợp này, nhà trường đã xem xét và tùy theo mức độ vi phạm để giải quyết. Mức độ nặng nhất là đuổi học.
Cũng theo thầy Hùng, nhà trường chỉ quản lý các em trong các giờ học, còn khi các em ra khỏi trường thì chịu. Mặc dù trường có tổ tư vấn thường xuyên theo dõi những em học sinh có dấu hiệu phá phách để uốn nắn nhưng cũng có em cá biệt, tuy không tỏ ra côn đồ ở sân trường nhưng khi ra khỏi cổng trường thì các em cũng có thể gây gổ, đánh nhau.
Vì vậy, theo thầy Hùng các bậc phụ huynh cần quan tâm con em mình nhiều hơn. Nếu phát hiện con em mình có những dấu hiệu khó bảo, côn đồ thì báo ngay với nhà trường để phối hợp giải quyết.
Trung tá Trần Minh Thọ, Trưởng Công an phường 15 quận 10, cũng tỏ ra bức xúc với sự việc liên quan đến học sinh THCS Trần Phú bị các dân quân đánh đập được dư luận lên tiếng vừa qua. Thế nhưng, theo Trung tá Thọ cũng không loại trừ có những em học sinh đã sớm nhiễm thói côn đồ, quậy phá, cầm đầu những nhóm học sinh bắt nạt, đánh đập bạn cùng trường, cùng lớp.
Khi còn làm ở Công an phường 2, Trung tá Thọ cũng đã từng chứng kiến học sinh dùng dao thanh toán nhau và theo anh đó là hành vi côn đồ nguy hiểm. Trung tá Thọ cho biết sáng 19-11 đã có buổi làm việc với Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Phú và ghi nhận trong trường vẫn còn đồn đại thông tin đe dọa đánh đập lẫn nhau.
Qua nắm bắt tình hình trong sáng ngày 19-11, một số học sinh vẫn bị đe dọa bị đánh. Đó là các học sinh có mã số 27, 39, 42, 49 và 51 sẽ bị đe dọa hành hung.
Thông tin có tính chất côn đồ này xuất phát từ trò chơi “bốc thăm” của một nhóm “đại bàng” trong trường. Cơ quan công an đang điều tra, xác minh. Theo Trung tá Thọ, vấn đề không còn là phạm vi giải quyết của nhà trường nữa mà ban giám hiệu cần thiết lập kênh thông tin thường trực với công an phường để có cách giải quyết hợp lý, ngăn chặn hành vi côn đồ của các nhóm học sinh cá biệt chứ không thể nhà trường cứ “im ỉm” được. Hơn nữa, các bậc phụ huynh cũng cần liên hệ với công an phường khi phát hiện con em mình có dấu hiệu côn đồ, phạm pháp.
Từ những sự việc nói trên và những gì dư luận đã biết về hành vi côn đồ bủa vây học đường, đã đến lúc các bậc phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường, công an sở tại ngồi lại với nhau, thiết lập và liên kết kênh thông tin chặt chẽ hơn để sớm uốn nắn con em mình.
TƯỜNG LÂM