Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng liên tục tuần tra, kiểm soát nhưng nhiều đối tượng vẫn bất chấp, thường xuyên đột nhập trái phép vào Vườn quốc gia (VQG) U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau) săn bắt thú rừng, gây mất an ninh trật tự ở địa phương.
Cán bộ Kiểm lâm Vườn Quốc gia U Minh Thượng thả động vật quý hiếm về rừng. Ảnh: NGỌC CHÁNH
Thường xuyên xâm hại
VQG U Minh Thượng có diện tích 21.107ha, trong đó, vùng lõi 8.038ha, vùng đệm 13.069ha. Theo thống kê, VQG U Minh Thượng có sự tồn tại của 243 loài thực vật bậc cao, 32 loài thú, 186 loài chim, 50 loài bò sát lưỡng cư, 60 loài cá, 203 loài côn trùng và nhiều loài động vật thủy sinh phân bố ở các độ sâu khác nhau trong hệ sinh thái. Từ đầu năm đến nay, lực lượng Kiểm lâm VQG đã phát hiện 10 vụ với 16 đối tượng vi phạm vào rừng săn bắt động vật, thủy sản trái phép, chuyển công an xử lý theo pháp luật 6 vụ với 10 đối tượng.
Ông Phạm Quốc Dân, Giám đốc VQG U Minh Thượng cho biết, do thấy lợi trước mắt, người dân thường xuyên lén vào VQG để săn bắt động vật, thủy sản; thậm chí có trường hợp ở trong rừng cả tuần, đun nấu, dễ gây cháy bất cứ lúc nào. Điều bức xúc nhất hiện nay là trong khi VQG U Minh Thượng thành lập khu cứu hộ động vật hoang dã để thả về rừng, thì một số đối tượng vẫn lén vào bắt trộm.
Tại VQG U Minh Hạ, tình trạng săn bắt động vật hoang dã trái phép vẫn thường xuyên xảy ra. Không ít nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn tỉnh Cà Mau phục vụ các món ăn “độc” có nguồn nguốc từ động vật hoang dã quý hiếm như rắn, rùa, trăn rừng… do chủ các nhà hàng mua từ các đối tượng săn bắt trái phép. Theo thống kê của lực lượng Kiểm lâm của VQG U Minh Hạ, từ đầu năm đến nay đã bắt được 9 vụ, liên quan đến 16 đối tượng xâm nhập trái phép vào VQG.
Cần nâng mức xử phạt để răn đe
Theo các cán bộ kiểm lâm, những đối tượng chuyên vào rừng săn bắt động vật hoang dã thường đi theo nhóm. Ngoài những dụng cụ săn bắt thú rừng, khi vào rừng họ mang đầy đủ thực phẩm, nước uống, chăn màn… có thể sống nhiều ngày trong rừng.
Theo ông Phạm Quốc Dân, việc phát hiện, xử phạt hành chính, thậm chí là hình sự được tiến hành nhưng mức độ răn đe chưa cao, trường hợp vi phạm vào rừng săn bắt động vật, thủy sản với giá trị dưới 5 triệu đồng chỉ xử lý hành chính vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Với vi phạm giá trị trên 5 triệu đồng trở lên thì chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự. Nhưng cái khó ở đây chính là dân trộm “chuyên nghiệp” khi bắt được động vật, thủy sản chỉ vài ký ngay lập tức chuyển ra ngoài chứ không đợi dồn với số lượng lớn nên khó xử lý hình sự. Trước đây, vài trường hợp đã bị xử lý hình sự với mức án phạt cao nhất là 2 năm tù giam, nhưng vẫn có trường hợp tái phạm.
Là người thường xuyên chỉ đạo công tác tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG U Minh Hạ cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tuần tra kiểm soát, nhiều lúc đi cả vào ban đêm. Nhưng vì địa bàn rộng, nhiều nơi diện tích của VQG U Minh Hạ tiếp giáp với khu dân cư nên người dân rất dễ xâm nhập vào. Chính vì vậy, để bắt được một vụ rất khó khăn, phải “canh” giữ lắm mới bắt được quả tang”.
VĨNH THUẬN - NGỌC CHÁNH